Cần liên kết vùng trong xây dựng nhà ở xã hội và phát triển giao thông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến hết năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển khoảng 35 nghìn căn nhà ở xã hội (NOXH). Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, số lượng NOXH này trông chờ vào quỹ đất 20% từ 33 dự án nhà ở thương mại.
Cần liên kết vùng trong xây dựng nhà ở xã hội và phát triển giao thông
Một khu nhà ở xã hội tập trung dành cho công nhân.

Hiện đã có 14 dự án hoàn thành việc giải tỏa, có thể triển khai ngay trong năm tới và sẽ đáp ứng số lượng khoảng 15.000 căn NOXH nếu các dự án hoàn thành trước năm 2025. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp lại quỹ đất do Nhà nước quản lý, xây nhà lưu trú công nhân trong 6 khu công nghiệp (KCN)… để đảm bảo mục tiêu chắc chắn đến năm 2025 sẽ có 35 nghìn căn NOXH.

Tại trọng điểm công nghiệp Đồng Nai, vấn đề phát triển NOXH, nhà ở công nhân cũng đã được đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy. Theo đó giai đoạn 2021-2025 mục tiêu đặt ra là xây dựng ít nhất 10.000 căn và đến năm 2030 Đồng Nai sẽ xây dựng 30.000 căn NOXH, nhà ở công nhân. Để đảm bảo mục tiêu phát triển NOXH, nhà ở công nhân trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản và vốn tín dụng, tháng 11 vừa qua tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển NOXH trên địa bàn. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định tỉnh đang quy hoạch phát triển quỹ đất để 700.000 lao động đang ở nhà trọ sẽ có NOXH trong những năm tới.

Đồng Nai sẽ ưu tiên giải quyết ngay đối với nhà đầu tư có từ 50% vốn trở lên tham gia làm NOXH. Trong khi đó nhiều nhà đầu tư đã đề nghị trong quy hoạch các khu đất để xây dựng NOXH, nhà ở công nhân, tỉnh Đồng Nai cần hướng đến dài hạn và nên quy hoạch khu vực vùng ven, gần các nhà máy để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi lại. Đại diện một số doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai cần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính khi thực hiện các dự án NOXH, nhà ở công nhân. Quá trình đầu tư cần sự đồng hành của ngân hàng trong việc cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động vay vốn để mua NOXH.

Là người trong cuộc, ông Lương Thanh Phong, cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, quy định dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm NOXH còn nhiều bất cập. Quỹ đất 20% ở khu trung tâm quận 1 khác rất xa với khu ngoại thành, nên không thể đánh đồng về giá trị. Bên cạnh đó, nhu cầu sống của người dân trong khu NOXH cũng khác với người mua nhà ở thương mại. Do vậy, thay vì xây dựng NOXH trong quỹ đất 20% của các dự án, nên đưa vào khu phát triển NOXH tập trung.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Anh Đào, viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, dù TP Hồ Chí Minh liên tục kêu gọi, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào NOXH, nhưng thực tế là không mấy doanh nghiệp mặn mà với phân khúc này. Bà Đào cho rằng, các dự án đường Vành đai 3 và 4 kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ sẽ thúc đẩy các dự án NOXH phát triển bởi việc kết nối thuận tiện. Các tuyến đường trên là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu NOXH của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề NOXH trong khu vực. TS Dư Phước Tân, viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhận định, chỉ riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 500ha đất do Nhà nước quản lý cùng 1.900ha đất trong dân ven tuyến Vành đai 3. Do đó chính quyền cần có chiến lược thu hồi và dành quỹ đất cho việc phát triển NOXH.

PGS-TS-KTS Trần Văn Khải, chuyên gia về phát triển đô thị nhận xét, việc phát triển NOXH chủ yếu thực hiện thông qua các doanh nghiệp, nhưng chỉ với các cơ chế hỗ trợ thì sẽ khó có nhà ở giá thấp. TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án Vành đai 3 và 4 để phát triển NOXH.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật