Vân Đồn quyết liệt chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện huyện Vân Đồn đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung hỗ trợ người dân cắt bỏ toàn bộ số phao xốp đang được làm vật liệu nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển, quyết tâm phấn đấu hết năm 2022 sẽ chuyển đổi được toàn bộ phao xốp bằng phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP 08:2020).
Vân Đồn quyết liệt chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Đến hết tháng 11/2022 đã có trên 912.000 quả phao nhựa hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương được người dân huyện Vân Đồn sử dụng.

Qua thực hiện rà soát từ đầu năm, trên địa bàn huyện Vân Đồn có 959 hộ dân NTTS trên biển sử dụng trên 5 triệu quả phao xốp thuộc 10/12 xã, thị trấn. Với mục tiêu phải chuyển đổi toàn bộ số phao xốp sang phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong năm 2022, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn tích cực vào cuộc. Nhờ đó, từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, tổng số lượng phao xốp đã được thực hiện cắt bỏ gần 4 triệu quả, đạt 77,9%; số phao nhựa HDPE đã được thay thế trên 912.000 quả.

Từ nay đến hết năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Đồn còn phải cắt bỏ, thay thế trên 1,1 triệu quả phao xốp. Trong đó, có một số xã còn tồn đọng nhiều lượng phao xốp cần phải thay thế, như: Đông Xá trên 350.000 quả, Bản Sen trên 290.000 quả, Quan Lạn trên 180.000 quả, Hạ Long trên 197.000 quả, Thắng Lợi trên 71.000 quả. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng ngày, có báo cáo chi tiết về cơ quan thường trực (Phòng NN&PTNT) tổng hợp. Cùng với đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn ký cam kết trước Chủ tịch UBND huyện về tiến độ thực hiện, nếu không đạt như đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chủ tịch UBND huyện và không xem xét mọi hình thức khen thưởng trong năm 2022.

Người dân xã Hạ Long thực hiện cắt bỏ, thay thế số phao nhựa hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của huyện, hiện các xã, thị trấn trên địa bàn đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, tại xã Đông Xá, qua thống kê, đến hết tháng 11/2022, địa phương còn trên 350.000 quả phao xốp cần được cắt bỏ và thay thế phao nhựa HDPE. Xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức ra quân cắt giảm và chuyển đổi tối thiểu đạt 80% số phao xốp hiện có trên địa bàn địa phương quản lý; đồng thời Chủ tịch UBND xã viết bản cam kết trước Chủ tịch UBND huyện, đảm bảo đến 25/12/2022 sẽ chuyển đổi 80% số lượng phao xốp trên địa bàn.

Còn tại xã Hạ Long, địa phương đã xây dựng kế hoạch với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng, đoàn thể, bí thư, trưởng thôn trên địa bàn; lập tiến độ, thời gian triển khai kiểm tra, tiến độ hoàn thành cắt giảm và thay thế đối với từng khu vực trên biển trong khoảng thời gian từ sáng đến cuối giờ chiều trong ngày; xây dựng nhiều phương án xử lý, trong đó thuê và trưng dụng nhiều phương tiện hỗ trợ người dân thu hồi lượng phao xốp được cắt bỏ, thu gom, tập kết tại những vị trí được phép, tránh để tình trạng trôi nổi trên biển, gây ô nhiễm môi trường.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Vân Đồn đối thoại với các hộ dân NTTS trên địa bàn huyện trong chuyển đổi phao xốp, ngày 1/12/2022.

Ông Đỗ Mạnh Ninh, Chủ tịch UBND xã Hạ Long, cho biết: Bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022 theo tinh thần nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, địa phương đang dồn mọi lực lượng để thực hiện chuyển đổi phao xốp. Hiện địa phương còn trên 197.000 quả phao xốp cần phải chuyển đổi trong thời hạn gần 30 ngày, đây là công việc tương đối khó khăn, vất vả, tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí, tuy nhiên với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, địa phương phấn đấu đến 31/12/2022 sẽ cắt giảm và chuyển đổi toàn bộ số lượng phao xốp này.

Theo tính toán, với số lượng phao xốp còn tồn đọng đến hết tháng 11/2022 là trên 1,1 triệu quả, có nghĩa là từ nay đến hết năm, mỗi ngày huyện Vân Đồn phải cắt bỏ trên 30.000 quả. Để hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự chủ động của người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật