Chùa Hổ Sơn, đền Huyền Chân công chúa – Điểm du Xuân không thể bỏ qua năm Nhâm Dần

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022 này, ngoài khu di tích Đền Trần, lễ hội chợ Viềng, Phủ Dầy, du khách thập phương xa gần còn có thêm lựa chọn khác để du Xuân, lễ Phật ở một khu di tích lịch sử khác có tuổi đời hơn 700 tuổi, đó là chùa Hổ Sơn và đền công chúa Huyền Trân mới được tu bổ, tôn tạo trên diện tích 13 hecta ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Chùa Hổ Sơn, đền Huyền Chân công chúa – Điểm du Xuân không thể bỏ qua năm Nhâm Dần
Độc đáo chốn Tâm linh

Xã Liên Minh thuộc vùng chiêm trũng châu thổ sông Hồng thế nhưng lại có một núi đá sừng sững giữa làng Hổ Sơn. Gọi là Hổ Sơn vì quả núi trông giống hình con hổ. Dưới sườn Nam chân núi là ngôi chùa cổ mang tên Hổ Sơn (còn gọi Nộn Sơn hay Hổ Linh Tự).

Theo sử sách ghi lại, năm 1301, một lần sang Chiêm Thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chúa Chiêm là Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân lên kiệu hoa về Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân để giữ mối hòa hiếu giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ngắn ngủi kéo dài có hơn 1 năm do vua Chế Mân đột ngột mất vì bạo bệnh. Theo phong tục của Chiêm Thành, Huyền Trân là người được Chúa Chiêm yêu mến nhất nên phải lên giàn hỏa thiêu. Tuy nhiên, lúc này Huyền Trân vừa mới sinh thế tử Chế Đa Đa. Nghe tin đó, vua Trần Anh Tông là anh trai của công chúa Huyền Chân đã cử một đoàn sứ giả sang nước Chiêm Thành đón bà về.

Cổng vào chùa Hổ Sơn

Đầu năm 1309, công chúa Huyền Chân đã xin thượng hoàng Trần Nhân Tông – lúc đó đang tu ở Yên Tử cho bà xuống tóc xuất gia tu hành. Lúc đầu, công chúa Huyền Chân xuất gia tu hành tại núi Trâu Sơn tỉnh Bắc Ninh. Năm 1311 chuyển đến ở làng Hổ Sơn lập chùa Nộn Sơn, tên chữ là Quảng Nghiêm Tự để tu thiền.

Thời điểm đó, ở làng Tiền, xã Tam Thanh, phía tây núi Hổ có Công chúa Thụy Bảo là cô ruột của Công chúa Huyền Trân cũng tạo vườn hoa An Lạc và lập chùa tu hành ở đây. Hai người cùng tu hành, phụng sự Phật pháp, chăm lo cho đời sống nhân dân trong vùng ngày càng thịnh vượng.

Sau khi công chúa Huyền Chân viên tịch (ngày 9/4 năm Canh Thìn), ghi nhớ công ơn của công chúa, nhân dân làng Hổ Sơn đã tôn bà là Thánh Mẫu và lập đền thờ tại nơi bà tu hành cùng với Công chúa Thụy Bảo.

Hàng năm, ngoài các ngày cúng lễ như lễ Thượng Nguyên, Phật đản, Vu Lan…, vào ngày mồng 5 tháng Giêng sẽ diễn ra lễ cúng giỗ Công chúa Thuỵ Bảo trang trọng và từ mùng 9 -14 tháng 4 âm lịch (ngày kị của Công chúa Huyền Trân), dân làng tổ chức lễ Hội chùa Hổ Sơn với hai phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra long trọng như rước kiệu, rước chân nhang, tế lễ…; phần hội có hát chèo, hát văn, múa lân sư tử; thi làm cỗ chay, làm bánh giày và các sản vật cúng Phật, dâng thánh…

Theo các vị cao niên trong làng, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chùa Hổ Sơn là nơi che giấu cán bộ cách mạng, là địa điểm tuyên truyền về chủ nghĩa cộn‌g sả‌n, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân và là trận địa pháo binh của lực lượng vũ trang huyện và xã.

Điểm độc đáo ở chùa Hổ Sơn đến thời điểm này là chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng 2 công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến cho 2 công chúa, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê.

Căn cứ vào những giá trị lịch sử của ngôi chùa, ngày 27/9/2006, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định công nhận Chùa Hổ Sơn là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tiếp suối nguồn Phật pháp

Ông Bùi Đức Lư – Trưởng ban công tác của thôn Hổ Sơn, xã Liên Minh cho biết, trước đây chùa rất nhỏ, cả khuôn viên chùa chỉ vài ba trăm mét vuông. Trong thời kỳ Pháp đô hộ, chùa Hổ Sơn bị tàn phá nặng nề nhưng sinh hoạt tín ngưỡng vẫn được duy trì. Chùa được tu sửa nhiều lần nhưng qua thời gian đã xuống cấp trầm trọng. Dù nhân dân xã đã nhiều lần kiến nghị để trùng tu chùa và đền để có nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng nhưng có lẽ do nguồn lực còn khó khăn nên di tích lịch sử cấp tỉnh vẫn giữ nguyên.

Cũng theo ông Lư, trước năm 2020, có một doanh nhân đã về chùa Hổ Sơn và hứa sẽ tài trợ mấy tỷ đồng để tu bổ lại Tam bảo nhưng sau khi lên phương án, thống nhất ngày khởi công, sự trụ trì cùng dân làng đã dỡ bỏ chùa cũ, di dời các tượng, hương án, bài vị sang nhà tôn tạm; thực hiện đào móng chuẩn bị thi công thì dịch bệnh Covid-19 ập đến. Lời hứa cũng vì thế mà không thành hiện thực. Tuy nhiên, chùa đã dỡ, không thể không làm, lúc này sư trụ trì họp bàn dân làng lấy ý kiến và thống nhất với tinh thần vẫn quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên số tiền công đức chỉ có 500 triệu đồng nên sẽ xây dựng phần móng trước.

Công việc đang triển khai, thì một vị doanh nhân họ Vũ – quê Thái Bình đã về thăm và cam kết sẽ công đức, nhận trách nhiệm tu bổ, tôn tạo lại chùa và đền. Gia đình ông đã xin phép các cơ quan chức năng và nhà chùa lập quy hoạch, thiết kế lại toàn bộ khu di tích lên tới 13 ha.

Đầu tháng 12/2020, chùa chính thức được khởi công tôn tạoo và chỉ sau hơn 1 năm, toàn bộ khu di tích đã hoàn thành với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đại lễ khánh thành đã diễn ra trang trọng vào cuối tháng 1/2022.

Các vị La Hán trước ngôi Tam Bảo

Chùa Hổ Sơn và đền thờ Công chúa Huyền Trân được tôn tạo, xây dựng trên nền đất cao, có hai cổng, bố trí đối xứng. Đi vào cổng bên trái, bước lên vài chục bậc thang lát đá là 2 dãy tượng với 18 vị la hán theo nguyên mẫu ở chùa Tây Phương được đúc bằng đá nguyên khối hết sức tinh sảo. Nằm chính giữa cổng là ngôi Tam bảo khang trang; đối xứng bên phải là đền thờ Huyền Trân công chúa.

Cả chùa và đền khi tôn tạo đều giữ đúng kiến trúc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Toàn bộ tượng phật, tượng nhị vị công chúa, hoành phi câu đối, các hương án, các cấu kiện kiến trúc bên trong đều được chạm khắc tinh xảo, được sơn son thiếp vàng trên nền nâu đỏ truyền thống, vừa tượng trưng cho sự linh thiêng, uy nghiêm của chốn tâm linh, vừa thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Mô phỏng Thuyền Rồng đón Công chúa Huyền Chân

Từ trên chùa và đền nhìn ra là khuôn viên rộng lớn được quy hoạch, thiết kế khoa học hợp lý. Bên phải sân chùa có chiếc thuyền rồng mô phỏng cảnh đón công chúa Huyền Trân từ nơi xa xứ trở về Đại Việt. Đi qua dãy nhà khách là ngôi bảo tháp. Xa thêm chút nữa là đến hồ sen nơi có tượng Phật bà quan âm Bồ tát ở chính giữa. Đối xứng với toà tháp và thuyền rồng phía bên kia là núi đá nhân tạo 3 tầng cao gần chục mét với pho tượng Phật từ bi đặt trên đài sen trang trọng.

Bên cạnh chùa và đềnn, tại khu di tích này còn có giảng đường, nhà khách và khuôn viên nhiều cây xanh cho du khách thập phương ở lại vãn cảnh.

Đến đây, ngoài thành tâm lễ phật cầu mong sức khoẻ, bình an, du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về cuộc đời của công chúa Huyền Chân- người con nước Đại Việt nết na xinh đẹp đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình để đem lại hòa bình thịnh trị và mở mang bờ cõi cho đất nước.

“Dân làng chúng tôi rất vui và biết ơn tấm lòng của doanh nhân họ Vũ đã công đức với số tiền quá lớn, vượt xa mong ước ban đầu. Chùa và đền được tôn tạo rất bề thế, khang trang, được quy hoạch rất đẹp tạo thành một khu di tích lưu lại cho muôn đời sau. Đây không chỉ là nơi để nhân dân trong làng, xã và du khách thập phương sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng mà còn trở thành nơi lưu giữ, phát huy những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống của dân tộc nói chung và phật giáo Nam Định nói riêng” – ông Bùi Đức Lư bày tỏ.

Có thể nói, ngôi chùa Hổ Sơn và đền thờ Huyền Chân công chúa được tu bổ, tôn tạo không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về bảo tồn di tích của địa phương, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, tạo thuận lợi cho các tín đồ, phật tử gần xa và nhân dân địa phương thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, thờ phật…; tiếp nối dòng chảy Phật pháp đã được lưu truyền qua các thời kỳ lịch sử tự cường của dân tộc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật