Thi đua là động lực phát triển ở Nhà máy X61

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là đơn vị kỹ thuật đầu ngành của Binh chủng Hóa học và toàn quân về sản xuất, sửa chữa trang bị khí tài hóa học, những năm qua, Phong trào Thi đua Quyết thắng (PTTĐQT) thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa bảo đảm kỹ thuật luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp của Nhà máy X61 chú trọng với cách làm chặt chẽ, bài bản và sáng tạo. Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đình Huy, Chính ủy nhà máy về vấn đề này.
Thi đua là động lực phát triển ở Nhà máy X61
Đại tá Nguyễn Đình Huy 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, PTTĐQT được nhà máy thực hiện đã tạo nên kết quả như thế nào?

Đại tá Nguyễn Đình Huy: Có thể nói, việc chú trọng vào hiệu quả PTTĐQT, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong số nguyên nhân quan trọng tạo ra sự thay đổi tích cực trên nhiều mặt của nhà máy trong những năm qua. Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã xác định, PTTĐQT của nhà máy phải là lá cờ đầu trong PTTĐQT của Binh chủng Hóa học.

Việc thi đua được thực hiện từ người lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên, chiến sĩ. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, các cấp ủy định hướng nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua phù hợp, coi trọng xây dựng đơn vị điểm, cá nhân tiên tiến, nhân rộng gương người tốt việc tốt. Thi đua nhưng phải kiên quyết chống bệnh hình thức, tư tưởng ganh đua trong thi đua; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua.

Từ phong trào thi đua của nhà máy đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như:  Mô hình “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Giờ lao động vàng”; “Phòng sơn Thanh niên”... Cũng từ thi đua mà hiện nay ở Nhà máy X61, mỗi người chuyên sâu một việc và thực hiện được nhiệm vụ ở nhiều vị trí công nghệ khác nhau.

Thi đua đã trở thành động lực, là đòn bẩy thúc đẩy cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điển hình nhất là việc có nhiều tổ, nhóm sản xuất, sửa chữa, làm nhiệm vụ chuyên môn đã đăng ký làm thêm ngoài giờ, kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt trong kết quả công tác.

PV: Vậy kết quả của sự khác biệt trong công tác đó là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Đình Huy: Chỉ tính từ năm 2017 cho đến nay, chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, riêng năm 2017 tăng 150%; năm 2021 có nhiệm vụ tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cung ứng vật tư đầu vào do đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần quyết tâm của cả tập thể, nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu hằng năm trước một tháng; sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Đến nay nhà máy đã tiếp thu, làm chủ các dây chuyền, trang thiết bị được đầu tư, như: Dây chuyền sản xuất ống trinh độc; dây chuyền sản xuất mặt nạ MV-5; dây chuyền công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng khí tài trinh sát NBC thế hệ mới (TSH-14); dây chuyền công nghệ tẩm xúc tác than hoạt tính (TX-05); dây chuyền công nghệ sản xuất bao tiêu độc cá nhân (TCN-10)... Các dây chuyền công nghệ được đầu tư nâng cao năng lực gồm: Dây chuyền sửa chữa xe máy, khí tài đặc chủng; dây chuyền sản xuất khói lửa và công cụ hỗ trợ A2.

Các máy công cụ công nghệ cao như: Máy CNC, máy cắt dây, máy mài... Đặc biệt, trong thời gian ngắn, nhà máy đã thực hiện tiếp thu công nghệ, nghiên cứu, chế thử men Clolinestesraga (ChE) đạt hiệu quả tốt, do vậy hiệu quả công tác sản xuất trang bị khí tài, vật tư kỹ thuật, sửa chữa các loại khí tài, xe máy đặc chủng hóa học được nâng cao, đáp ứng việc bảo đảm các trang bị, vật tư kỹ thuật phòng hóa cho các đơn vị trong toàn quân.

Công nhân Xưởng sản xuất khí tài hô hấp tiếp lắp ráp mặt nạ MV-5. Ảnh: MINH HƯNG 

PV: Được biết, PTTĐQT là động lực mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của nhà máy với những sáng kiến mới. Đồng chí có thể cho biết thêm về điều đó?

Đại tá Nguyễn Đình Huy: Bên cạnh việc tiếp thu các dây chuyền công nghệ được đầu tư, nhà máy đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị khí tài, nghiên cứu, chế thử và đưa vào sản xuất hàng loạt sản phẩm mới bằng nguồn vật tư trong nước. Đây chính là kết quả của PTTĐQT.

Nhà máy đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến được thực hiện, nhiều đề tài, sáng kiến có giá trị cao, đạt giải thưởng các cấp, như: “Nghiên cứu, chế tạo các phương tiện phát khói ngụy trang và trang bị A2”, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; năm 2020, nhà máy đã thực hiện thành công việc cải tạo, sản xuất xe tiêu tẩy T-14Đ trên xe cơ sở Kamaz... Những đề tài, sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, sửa chữa, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của nhà máy.

PV:  Thưa đồng chí, do tính đặc thù của một đơn vị sản xuất, sửa chữa mà nhiều người chưa biết về Nhà máy X61, đồng chí có thể khái quát đôi nét về nhà máy?

Đại tá Nguyễn Đình Huy: Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 15-8-1967, phân đội sửa chữa, sản xuất trang bị khí tài hóa học được tách khỏi Kho khí tài 61, thành lập Xưởng khí tài hóa học với phiên hiệu X61, có nhiệm vụ sửa chữa, cải tiến, sản xuất trang bị, khí tài phòng hóa bảo đảm cho các đơn vị trong toàn quân. Cùng với sự phát triển của Binh chủng Hóa học, Xưởng khí tài hóa học X61 cũng từng bước được củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, xác định chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình mới.

Ngày 21-4-1995, Bộ Tổng Tham mưu ban hành quyết định nâng cấp Xưởng khí tài hóa học X61 thành Xí nghiệp 61, đồng thời tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, sửa chữa, nghiên cứu cải tiến trang bị, khí tài phòng hóa. Năm 2015, thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định đổi tên Xí nghiệp 61 thành Nhà máy X61. Trong chặng đường 55 năm ra đời và phát triển, nhà máy được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật