Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc học sinh giỏi trượt tốt nghiệp do ngủ quên?

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) dẫn chứng báo chí phản ánh vụ việc “để học sinh giỏi ngủ quên trong giờ thi, trượt tốt nghiệp“ và đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có suy nghĩ như thế nào?
Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc học sinh giỏi trượt tốt nghiệp do ngủ quên?
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: QH

"Văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp"

Tại phiên chất vấn chiều 10.8, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng Pháp Luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Thời gian qua, hệ thống Pháp Luật đã được hoàn thiện và tăng cường, nhưng quan hệ xã hội nhiều nơi, nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, khiến cử tri và nhân dân lo lắng.

"Nhiều cử tri cho rằng do đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức gia đình đều xuống cấp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào? Xu hướng thời gian tới ra sao?", đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn.

Đại biểu Lê Hoàng Anh dẫn chứng nhiều vụ việc xảy ra vừa qua, chủ thể đều khẳng định làm đúng quy trình, như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Báo chí phản ánh và cơ quan có thẩm quyền đều trả lời giám thị làm đúng quy định, "nhưng để học sinh giỏi ngủ quên trong giờ thi, trượt tốt nghiệp thì Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như Pháp Luật để mọi người tuân thủ".

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Trao đổi nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận "văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp".

"Chúng ta cũng nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét, phối hợp giữa các bộ, ngành. Xây dựng văn hóa là vấn đề lâu dài. Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực", ông Hùng nói, cho rằng khi hình thành được môi trường gia đình, nhà trường, xã hội thì sẽ có được môi trường văn hóa, hạn chế sự xuống cấp.

Bộ trưởng có trách nhiệm đến đâu khi văn hóa xuống cấp?

Phát biểu tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội.

Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng "ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này", nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng "cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm"?

Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ Pháp Luật.

Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật