Khó có tuần trăng mật cho lãnh đạo 6 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáu nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin có thể sẽ đều được điều hành bởi các nhà lãnh đạo cánh tả, song “tuần trăng mật“ của họ được cho là ngắn ngủi.
Khó có tuần trăng mật cho lãnh đạo 6 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin
Một khu dân cư tại Medellín, Colombia. Ảnh: New York Times.

Ở Chile, một cựu nhà hoạt động vì sinh viên đã thắng cử tổng thống với cam kết giám sát sự biến đổi sâu sắc nhất của xã hội nước này trong nhiều thập kỷ, đồng thời mở rộng mạng lưới an toàn xã hội và chuyển gánh nặng thuế cho những người giàu.

Ở Peru, con trai của người nông dân nghèo đi tới chiến thắng với cam kết ưu tiên các gia đình khó khăn, hỗ trợ nhóm người nghèo khó. Ông cũng cam kết khắc phục sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, theo New York Times.

Ở Colombia, một nhà lập pháp đã được bầu làm tổng thống cánh tả đầu tiên của đất nước. Ông hứa hẹn bảo vệ quyền của người Colombia bản địa, người da đen và người nghèo, đồng thời xây dựng một nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người.

Sau nhiều năm thiên hữu, khu vực Mỹ Latin đang thiên tả. Vào cuối năm nay, một ứng cử viên tổng thống cánh tả ở Brazil có thể sẽ giành chiến thắng. Điều này khiến 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực đều được điều hành bởi các nhà lãnh đạo cánh tả.

Đối mặt với thực tế ảm đạm

Một sự kết hợp của nhiều yếu tố đã đưa nhóm mới này lên nắm quyền, trong đó có tâm lý phản đối những người đương chức. Điều đó được thúc đẩy bởi sự tức giận về tình trạng đói nghèo triền miên và bất bình đẳng.

Tuy nhiên, ngay khi các nhà lãnh đạo mới nhậm chức, những cam kết tranh cử của họ đã xung đột với một thực tế ảm đạm, trong đó có một cuộc xung đột ở châu Âu, vốn đang khiến chi phí hàng ngày tăng vọt.

Nhà lãnh đạo Gabriel Boric của Chile, Pedro Castillo của Peru và Gustavo Petro của Colombia đã đi tới chiến thắng khi hứa hẹn sẽ giúp đỡ nhóm người nghèo và bị tước quyền. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc cố gắng đáp ứng kỳ vọng cao của cử tri.

Ở Argentina, nơi Tổng thống cánh tả Alberto Fernández nắm quyền vào cuối năm 2019, những người biểu tình đã xuống đường trong bối cảnh giá cả tăng cao.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng có khả năng làm tăng thêm sự bất mãn và thúc đẩy các phong trào biểu tình lớn, bao gồm cả ở Chile và Colombia.

Khi ông Petro tiếp quản quyền lực từ tháng 8, 5 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực sẽ được điều hành bởi các nhà lãnh đạo cánh tả.

Brazil, quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latin, có thể xoay chuyển theo hướng như vậy trong cuộc bầu cử vào tháng 10. Các cuộc thăm dò cho thấy cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, một người theo chủ nghĩa cánh tả, đang dẫn trước Tổng thống cánh hữu đương nhiệm Jair Bolsonaro.

Các nhà lãnh đạo mới ở Colombia và Chile tiến bộ hơn nhiều so với những nhà lãnh đạo cánh tả trong quá khứ, khi kêu gọi chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và ủng hộ quyền phá thai.

Tuy nhiên, xét chung lại, nhóm này lại khác nhau về mọi thứ, từ chính sách kinh tế đến cam kết đối với các nguyên tắc dân chủ. Chẳng hạn, ông Petro và ông Boric đã hứa mở rộng đáng kể các chương trình xã hội cho người nghèo, trong khi Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrado đang tập trung vào việc thắt lưng buộc bụng và giảm chi tiêu.

Điều liên kết những nhà lãnh đạo này lại là những hứa hẹn cho sự thay đổi sâu rộng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, điều đó đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng khó khăn.

"Tuần trăng mật" ngắn ngủi

Tại Chile vào cuối năm ngoái, ông Boric đã đánh bại José Antonio Kast, một chính trị gia cánh hữu, khi cam kết loại bỏ các chính sách kinh tế tân tự do trong quá khứ.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau nhiệm kỳ của mình, với một nội các thiếu kinh nghiệm, quốc hội chia rẽ, giá tiêu dùng tăng và tình trạng bất ổn ở miền Nam đất nước, tỷ lệ ủng hộ ông Boric đã giảm mạnh.

Catalina Becerra, 37 tuổi, Giám đốc nhân sự từ Antofagasta (Chile), từng bỏ phiếu bầu cho ông Boric. “Tuy nhiên, tôi không bị thuyết phục bởi những gì ông ấy làm cho đất nước. Ông ấy đã không đạt được những gì đã hứa”, bà Becerra nói thêm.

Các sinh viên tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 6 ở Santiago. Ảnh: AFP.

Vào tháng 9, người Chile sẽ bỏ phiếu về một hiến pháp liên quan đến việc tôn trọng bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và quyền của người bản địa. Tổng thống nước này đã ràng buộc thành công của mình với cuộc trưng cầu dân ý, đặt mình vào tình thế bấp bênh nếu dự thảo bị bác bỏ.

Ở nước láng giềng Peru, năm ngoái, ông Castillo đã đánh bại Keiko Fujimori, một chính trị gia cánh hữu. Trong khi một số người Peru ủng hộ ông Castillo chỉ vì không chấp thuận bà Fujimori, ông cũng đại diện cho hy vọng thực sự của nhiều cử tri, đặc biệt là các cử tri nghèo và nông thôn.

Khi còn là một ứng cử viên, ông Castillo hứa sẽ trao quyền cho nông dân, mang đến nhiều trợ cấp, khả năng tiếp cận tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật hơn.

Tuy nhiên, ông Castillo hiện phải chịu năm cuộc điều tra Hình Sự. Tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống 19%, theo viện Nghiên cứu Peru. Ông cũng đã phải đối mặt với hai nỗ lực luận tội.

Cải cách ruộng đất mà ông cam kết vẫn chưa chuyển hóa thành bất kỳ chính sách cụ thể nào. Trong khi đó, người nông dân nước này đang phải vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Tại một khu dân cư nghèo trên sườn đồi ở thủ đô Lima (Peru), nhiều phụ huynh đang bỏ bữa để con cái họ có nhiều thức ăn hơn.

Ruth Canchari, 29 tuổi, một bà mẹ ba con, cho biết: “Chúng tôi đã bỏ phiếu cho ông Castillo vì hy vọng rằng chính phủ của ông ấy sẽ khác. Nhưng ông ấy không hành động”.

Tại Colombia, ông Petro sẽ phải đối mặt với nhiều điều tương tự. Nghèo đói đã tăng lên, trong khi lạm phát đã đạt gần 10%.

Tuy nhiên, bất chấp sự lo lắng về tài chính, các hành động của ông Petro khi chuẩn bị nhậm chức dường như đã giúp ông có được một số sự ủng hộ.

Ông đã nhiều lần kêu gọi sự đồng thuận quốc gia, gặp gỡ đối thủ chính trị lớn nhất của mình, cựu Tổng thống cánh hữu Álvaro Uribe, và bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính được kính trọng rộng rãi.

Daniel García-Peña, một nhà khoa học chính trị, cho rằng các động thái này có thể cho phép ông Petro xoa dịu một số lo ngại về việc ông sẽ cố gắng vực dậy nền kinh tế như thế nào.

Tuy nhiên, liên quan đến việc thời kỳ "tuần trăng mật" của các nhà lãnh đạo khác đã nhanh chóng kết thúc như thế nào, ông Petro sẽ có rất ít thời gian quý báu để bắt đầu xoa dịu vấn đề.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật