Nghệ An: Nguy hiểm trồng sắn bất chấp quy hoạch và bệnh khảm lá

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khả năng vụ sắn năm 2022 diện tích còn tăng thêm nhiều, sản xuất chạy theo giá cả thị trường thấy có lợi trước mắt mà quên đi tất cả.
Nghệ An: Nguy hiểm trồng sắn bất chấp quy hoạch và bệnh khảm lá
bệnh khảm lá hoành hành nhiều vùng trồng sắn tại Nghệ An.

Giá thu mua sắn nguyên liệu tăng cao, thấy cái lợi trước mắt, bà con nông dân vội vàng thu hoạch nhanh để trồng lại. Nhiều bà con còn mở rộng thêm diện tích trồng sắn lấn sang cả đất trồng mía, trồng keo.

Bất chấp quy hoạch

Thu hoạch xong 3 sào sắn, thu về gần 8 triệu đồng, ông Lang Văn Bình ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn thuê máy cày bừa làm đất ngay và tiếp tục trồng lại cây sắn trên đất đó. Gặp chúng tôi, ông vui vẻ nói, năm nay sắn thu hoạch xong nhà máy mua hết với giá từ 1,9 – 2 triệu đồng/tấn, cao gần gấp đôi giá sắn năm ngoái. Trước mắt, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 3 – 4 sào sắn nữa trên đất vừa thu hoạch xong cây mía và cây keo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đình Luận – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn cho hay: Sau một thời gian diện tích sắn trên địa bàn huyện khá ổn định từ 900 – 950 ha và theo quy hoạch năm 2020 toàn huyện Anh Sơn chỉ có 950 ha. Nhưng năm 2020 do giá thu mua sắn tăng lên hơn 1 triệu đồng/tấn, khi ấy giá mía chỉ ở mức 850 – 860 ngàn đồng/tấn, nên nhiều hộ dân ở các xã như: Thọ Sơn, Vĩnh Sơn, Thành Sơn, Hoa Sơn… bỏ mía, chuyển sang trồng sắn. Thậm chí có những xã như: Hội Sơn, Đỉnh Sơn, Bình Sơn… đã chuyển cả đất bãi phù sa ven sông Lam sang trồng sắn lại càng sai lầm nữa. Vì vậy diện tích sắn năm 2021 tăng lên 1.150 ha, vượt quy hoạch từ 200 – 250 ha. Đến năm 2021, giá thu mua mía của nhà máy đường Sông Lam đã tăng lên trên 1 triệu/tấn. Nhưng giá thu mua sắn lại tiếp tục tăng từ 1,9 – 2 triệu đồng/tấn và còn tiếp tục tăng. Vì vậy khó ngăn được tình trạng bà con nông dân giảm mía, lấy đất trồng sắn. Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã vận động bà con nông dân không mở rộng diện tích trồng sắn và chuyển diện tích đã trồng sắn liên tục 2 – 3 năm sang trồng mía, nhất là trên diện tích gần 100 ha sắn vừa qua bị bệnh khảm lá tuyệt đối không nên tiếp tục trồng sắn nữa.

Sắn bị bệnh khảm lá.

Tại huyện Tân Kỳ, một trong những địa phương có diện tích sắn được trồng nhiều nhất tỉnh, năm 2021 toàn huyện trồng 3.500 ha sắn hiện đang vào mùa thu hoạch, tăng hơn 300 ha so với năm 2020. Trong khi đó theo quy hoạch vùng nguyên liệu sắn được UBND tỉnh giao cho huyện chỉ có 400 ha, tối đa không quá 600 ha. Vậy, tại sao diện tích trồng sắn ở huyện Tân Kỳ trồng vượt quy hoạch nhiều đến vậy? Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Kỳ lý giải: 2 – 3 năm nay vùng sắn nguyên liệu lớn nhất cả nước ở các tỉnh Tây Nguyên bị bệnh khảm lá sắn hoành hành nặng, diện tích giảm, năng suất giảm, nên các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở trong ấy thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Vì vậy, sắn ở Nghệ An có cơ hội tiêu thụ nhanh, giá thu mua hôm nay lên đến 1,9 – 2,3 triệu đồng/tấn, người dân mừng lắm. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng sắn thấp, nên càng có lãi nhiều. Trong khi đó trồng mía phải đầu tư nhiều cả chi phí phân bón, giống và ngày công thu hoạch, vận chuyển… Do vậy, khả năng bà con nông dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng sắn, cho dù UBND huyện khuyến cáo không nên mở rộng diện tích sắn.

Tiêu hủy sắn bị bệnh khảm lá.

Đáng lo nhất hiện nay là Nhà máy đường Sông Con đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nhà máy này được UBND huyện quy hoạch 6.000 ha mía nguyên liệu và giao chỉ tiêu cho UBND các xã chỉ đạo thực hiện. Nhưng hiện nay toàn huyện chỉ có 3.300 ha mía, do bà con nông dân bỏ mía chuyển sang trồng sắn, gây khó khăn rất lớn cho nhà máy trong niên vụ chế biến đường hiện nay.

Theo quy hoạch của tỉnh Nghệ An, vùng nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn trong tỉnh gồm: Nhà máy sắn Thanh Chương, Nhà máy sắn Anh Sơn và Nhà máy sắn Yên Thành có tổng diện tích nguyên liệu là 7.500 ha. Nhưng riêng năm 2021, diện tích sắn đã trồng và bây giờ đang thu hoạch đã lên 13.300 ha, vượt chỉ tiêu quy hoạch 5.800 ha, bằng 77,33%. Khả năng vụ sắn năm 2022 sẽ còn tăng thêm nhiều hơn nữa, do bà con nông dân đang sản xuất chạy theo giá cả thị trường thấy có lợi trước mắt mà quên đi tất cả.

Mặc cho bệnh khảm lá sắn…

Năm 2020 bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện ở Nghệ An trên diện tích 138 ha. Phần lớn diện tích sắn bị bệnh không có thu hoạch và trong số này nhiều diện tích bị nhổ bỏ để trồng lại cây khác. Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân ở các địa phương phát hiện có bệnh khảm lá trên cây sắn thì kịp thời nhổ bỏ ngay. Nếu mật độ cây bị bệnh nhiều thì nhổ bỏ hết để trồng lại cây trồng khác và trên đất này vụ sau nên luân canh cây trồng để tránh dịch bệnh có thể lây lan năm này qua năm khác.

Cây sắn khi bị bệnh khảm lá là không chữa trị được.

Tưởng chừng sang năm 2021 diện tích sắn thu hẹp lại do lo sợ bệnh khảm lá sắn. Nhưng hoàn toàn không, năm 2021 diện tích sắn đã tăng lên 13.300 ha, vượt quy hoạch do tỉnh đề ra gần 6.000 ha, nhiều hơn vụ sắn năm 2020 xấp xỉ 300 ha. Vụ sắn năm 2021, bệnh khảm lá sắn xuất hiện rất sớm khi cây sắn vừa mới lên khỏi mặt đất chừng 15 – 20cm. Chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện trên diện tích 3.700 ha ở 8 huyện: Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Thanh Chương. Trong đó huyện Tân Kỳ là địa phương có diện tích sắn bị bệnh khảm lá lên đến 2.500 ha. Trong số này có 400 ha bị bệnh phải nhổ bỏ để thay thế cây trồng khác. Số còn lại bị nhẹ hơn thì bà con nông dân đi nhổ tỉa ngay sau khi bệnh xuất hiện.

Cây sắn khi bị bệnh khảm lá là không chữa trị được, nếu bị nặng phải nhổ bỏ, nếu bị nhẹ thì năng suất giảm tới 40 – 50%. Nhưng do giá sắn được các nhà máy thu mua ngày càng cao, nhất là vụ sản xuất 2021 giá thu mua lên đến 1,9 – 2 triệu đồng/tấn, cao nhất từ hàng chục năm nay đã tạo ra một lực hấp dẫn cực lớn kéo người nông dân ồ ạt trồng sắn, bất chấp bệnh khảm lá sắn nguy hại đến mức nào.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật