Vì sao đào rừng Yên Bái thua ngay trên sân nhà?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đào rừng đang phải chịu cảnh ế ẩm, thưa thớt khách ngay trên sân nhà khi không thể cạnh tranh được với đào từ nơi khác đổ về. 
Vì sao đào rừng Yên Bái thua ngay trên sân nhà?
Các tiểu thương Yên Bái lo lắng việc buôn bán đào tết nên vẫn “ém hàng“ để chờ thời. Ảnh: An Trịnh

Thất thủ ngay trên sân nhà

Những vườn đào từ thành phố đến các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đang nở rộ, nhưng lượng mua ngày càng giảm sút. Những cành đào rừng từng làm mưa, làm gió thị trường nhiều năm trước giờ cũng ế ẩm khách.

Ngày 25.1, ghi nhận tại khu vực km5, phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, điểm tập trung các quầy bán hoa, đào tết, dọc 2 bên đường Nguyễn Tất Thành và đường Nguyễn Văn Cừ tràn ngập quất, đào từ mọi nơi đổ dồn về.

Những tiểu thương nhập đào chủ yếu từ các vườn đào tại Nhật Tân, TP.Hà Nội và tỉnh Hưng Yên lên Yên Bái để bán.

Trao đổi với PV, anh Bùi Trọng Đình - một tiểu thương từ Vĩnh Phúc - cho biết: “Đào chủ yếu nhập từ Hưng Yên và Nhật Tân mang lên đây bán. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng mua ít hơn mọi năm, số lượng mang lên cũng ít hơn”.

Theo anh Đình, những năm trước lấy đào trực tiếp từ các vườn trong tỉnh, nhưng chất lượng hoa không đẹp như vườn đào Nhật Tân, Hưng Yên nên tiêu thụ khó.

Theo các tiểu thương, đào tại các vùng dưới xuôi đẹp hơn, nhiều hoa và nụ hơn so với đào bản địa.

Chỉ tay vào cành đào bên cạnh, anh Đình phân tích: "Đào rừng tuy đẹp về thế, vẻ ngoài, nhưng hoa ít, nụ không nhiều. Thêm nữa, nhiều khách mua phải đào rừng “fake” do dân vùng cao tự gắn nụ, hoa giả khiến đào rừng bị mất đi giá trị".

Cùng cảnh như anh Đình, anh Lê Đức Tấn (quê Hưng Yên) tâm sự: “Giờ chỉ dám nhận một vài cành đào rừng của người quen gửi bán giúp, còn cánh bán hoa tết cũng hãi bán đào rừng vì không lãi được”.

Năm nay, người dân Yên Bái chủ yếu tiêu thụ cành đào nhỏ, không chơi nhiều đào thế, đào cổ, đào rừng.

Tiểu thương này khẳng định, chính việc đào rừng giả, dễ bị trà trộn, không kiểm soát khiến việc tiêu thụ, buôn bán loại cây này gặp nhiều khó khăn.

Khi dân chuộng "đồ ngoại hơn đồ nhà"

Ông Phạm Đình Vận - chủ vườn đào tại thôn Trực Bình, xã Minh Bảo - đang độ nở đẹp nhưng lượng mua ít hơn hẳn năm ngoái.

Trao đổi với PV, ông Vận chia sẻ: “So với mọi năm thì năm nay mọi người mua ít hơn. Từ đầu tháng 1.2022 đến giờ, vườn mới bán chưa được 1/3. Các khách mua chủ yếu là khách quen đã mua lâu năm, ít chủ lớn thu mua số lượng nhiều”.

Lý giải về việc này, ông Vận chua xót: "Nhiều khách có phương tiện hoặc người quen tại các huyện vùng cao nên họ tự lấy đào rừng về chơi. Phần nữa, đào từ các tỉnh dưới xuôi cũng tràn ngập đường phố nên người nhà vườn chủ yếu là các cơ quan, khách quen, không có nhiều khách các nơi đến như trước".

Các nhà vườn trên địa bàn TP.Yên Bái dù đang độ hoa đẹp nhưng cũng ít người đến mua.

Thực trạng chung hiện tại, các vườn đào trên địa bàn TP.Yên Bái đang gặp khó về khâu tiêu thụ, các cành, cây đào rừng cũng ít người đến mua hơn hẳn các năm trước.

Tại các gia đình, nhiều nhà chỉ quen cắm, chơi các cành đào cành, đào nhỏ, vừa phải như gia đình anh Hoàng Minh Tân (ở phường Minh Tân).

Anh này cho hay: "Do nhu cầu của gia đình có con nhỏ thích những cành đào nhiều hoa, đào rừng ở Yên Bái cũng đẹp nhưng cũng tuỳ sở thích, thú chơi của từng người, quan trọng nhất là nhà nhà đều vui đón tết".

Người dân địa phương cũng có nhiều sở thích khác nhau trong việc chơi đào dịp tết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Bảo - cho hay: “Do tình hình dịch bệnh chung nên sức mua của người dân trên địa bàn năm nay giảm nhiều so với mọi năm. Chính quyền địa phương cũng có định hướng tuyên truyền người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, đi sâu vào trồng các giống đào có chất lượng hơn trong thời gian tới".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật