Nghiêng về kịch bản tích lũy

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thị trường chứng khoán tuần qua ghi nhận trạng thái giao dịch kém sôi động so với 6 tuần gần nhất. Tâm lý thận trọng gia tăng khi nhà đầu tư nước ngoài không ngừng bán ròng, thị trường không đón nhận thêm động lực mới (thị trường vẫn kể những câu chuyện cũ như triển vọng vận hành hệ thống KRX, họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…).
Nghiêng về kịch bản tích lũy
Ảnh minh họa

Mặt khác, không ít nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp để đưa ra quyết định giao dịch.

Thị trường chứng khoán quốc tế không có nhiều chuyển động đáng chú ý, riêng chỉ số S&P 500 vẫn vững vàng trong xu thế tăng. Trong năm mà ở Mỹ sẽ diễn ra 2 sự kiện quan trọng là Fed thực hiện cắt giảm lãi suất và bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới thì rất khó để chứng khoán Mỹ có cú sụp bất ngờ.

Quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường vận động đồng pha với thị trường chứng khoán toàn cầu. Thậm chí, VN-Index nằm trong Top 3 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất trên thế giới. Chất xúc tác về liên thị trường tích cực là niềm cảm hứng lớn nhất cho nhịp tăng mà không có nhịp điều chỉnh đáng kể nào diễn ra của VN-Index tính từ chân sóng ngày 1/11/2023.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh, với giá trị bán ròng gần 5.000 tỷ đồng, lũy kế cả tháng 3/2024 là 10.000 tỷ đồng. Thực tế, động lực chính của thị trường trong thời gian qua đến từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy vậy, sức ép từ khối ngoại rất lớn. Dù nhà đầu tư cá nhân vẫn lạc quan về triển vọng thị trường, nhưng với quy mô bán ròng tăng mạnh của khối ngoại, VN-Index gặp không ít khó khăn trong hành trình đi lên. Nói cách khác, thị trường sau thời gian tăng mạnh phải chứng kiến dòng tiền cá nhân mạnh mẽ hơn nữa mới đủ sức để áp đảo khối ngoại, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có diễn biến tăng.

Nhằm ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng lượng tiền dư thừa trong hệ thống thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Tính tới thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã hút về hơn 170.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu tăng dần và đạt mức 2,5%/năm trong các phiên gần đây. Điều này thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, qua đó gián tiếp kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Với những hành động quyết liệt trên thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước, dù chưa thể làm tỷ giá USD/VND giảm mạnh nhưng tỷ giá cũng không có dấu hiệu tăng sốc. Từ đầu năm 2024 tới nay, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tăng hơn 1,8%, còn trên thị trường tự do là hơn 3,2%. Nhìn chung, Ngân hàng Trung ương đã thành công với mục tiêu ổn định thị trường tài chính - ngân hàng.

Với thị trường chứng khoán, việc thanh khoản ở hệ thống ngân hàng đang bị thu hẹp khiến dòng tiền trên thị trường không dồi dào thêm có thể sẽ cản trở khả năng bứt phá của VN-Index.

Ở diễn biến đáng chú ý khác, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tiếp tục biến động mạnh. Chúng tôi nhận thấy bối cảnh hiện tại có nét tương đồng với vùng đỉnh của VN-Index hồi tháng 9/2023 khi tỷ giá tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu quy mô lớn và lợi suất trái phiếu biến động. Mặc dù vậy, chúng tôi không quá bi quan về triển vọng thị trường sẽ có các nhịp giảm mạnh hơn 10% so với đỉnh như năm ngoái. Thay vào đó, kịch bản VN-Index tích lũy hoặc điều chỉnh trong biên độ 5 - 7% so với đỉnh có khả năng xảy ra hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật