Becamex BCE gặp khó khi lấn sang lĩnh vực bất động sản

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không thể tăng vốn lên 700 tỷ đồng, cũng như lĩnh vực bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (Becamex BCE, mã BCE) đang gặp khó về dòng tiền khi tham gia lĩnh vực mới.
Becamex BCE gặp khó khi lấn sang lĩnh vực bất động sản
Ảnh minh họa

Ba năm liên tiếp không trả cổ tức khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản

Trong vòng 3 - 5 năm trước, các công ty liên quan tới Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex, mã BCM) tại Bình Dương đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trên sàn chứng khoán bởi chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn, đều đặn hàng năm cho cổ đông.

Tuy nhiên, trong năm 2022-2023, chính sách cổ tức tiền mặt của nhóm doanh nghiệp liên quan tới Becamex đã thay đổi. Từ việc trả cổ tức đều đặn, các doanh nghiệp này bắt đầu trì hoãn trả cổ tức cho cổ đông.

Tại Becamex BCE, trong nội dung trình cổ đông tại đại hội đồng cổ đông ngày 12/4 tới, đơn vị này có kế hoạch không trả cổ tức năm 2023 (năm 2022 cũng không trả cổ tức cho cổ đông).

Trước đó, ngày 26/4/2022, Becamex BCE thông qua việc trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5%, tương ứng trả tổng cộng 17,5 tỷ đồng cho cổ đông và thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng, lên 700 tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thế nhưng, tới ngày 19/4/2023, Công ty đã thống nhất hoãn chi trả cổ tức năm 2021 và không thực hiện trả cổ tức năm 2022 để tập trung nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh, đồng thời thông qua việc không thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Trước đó, Công ty liên tục duy trì cổ tức tiền mặt hấp dẫn đối với cổ đông, như năm 2016 trả cổ tức với tỷ lệ 8%, năm 2017 chi trả với tỷ lệ 8%, năm 2018 với tỷ lệ 10%, năm 2019 với tỷ lệ 12% và năm 2020 với tỷ lệ 9%.

Thực tế, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Becamex BCE chỉ sở hữu quỹ tiền mặt là 35,8 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng nợ vay lên tới 111,7 tỷ đồng, bằng 33,4% vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh tiền mặt hạn chế, cũng tại thời điểm cuối năm 2023, tài sản của Becamex BCE là 529,7 tỷ đồng, gồm các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của bên thứ ba, chiếm 77% tổng tài sản; tồn kho và tài sản dở dang dài hạn chỉ ghi nhận 49,5 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng tài sản…

Như vậy, quỹ tiền mặt hạn chế và tài sản chủ yếu nằm ở bên thứ ba đang gây khó về dòng tiền cho Becamex BCE.

Bất động sản đóng góp doanh thu, nhưng không đáng kể

Becamex BCE được thành lập năm 2002 để đáp ứng nhu cầu thi công xây dựng các công trình trong nội bộ và bên ngoài của Becamex với vốn điều lệ ban đầu là 7 tỷ đồng, địa bàn kinh doanh chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Dương.

Tới năm 2021, Becamex BCE đã chào bán thêm 5 triệu cổ phiếu BCE ra bên ngoài để nâng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng, lên 350 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được dùng để thanh toán chi phí xây dựng Khu tái định cư - Dân cư ấp 4 (xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) và Dự án Khu dân cư 5F (ấp 5, Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Điểm đáng lưu ý, sau phát hành cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của Becamex tại Becamex BCE đã giảm từ 51,82%, xuống còn 44,42% và giữ tỷ lệ sở hữu này tới hiện tại. Mặc dù không còn sở hữu hơn 51%, nhưng Becamex vẫn hạch toán là công ty mẹ của Becamex BCE, do vẫn nắm quyền kiểm soát các hoạt động tại Becamex BCE.

Về hoạt động kinh doanh, sau nhiều năm triển khai dự án xây dựng cho các đơn vị liên quan công ty mẹ Becamex, trong một vài năm trở lại đây, Becamex BCE đã trở thành chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án nhà ở thương mại - dịch vụ công nhân tại Khu công nghiệp và Đô thị Bàu Bàng (Bình Dương), dự án nhà ở thương mại - dịch vụ công nhân tại huyện Chơn Thành (Bình Phước).

Trong đó, xét về cơ cấu đóng góp của lĩnh vực bất động sản trong doanh thu, năm 2021 ghi nhận 9,51 tỷ đồng, chiếm 8,93% tổng doanh thu; năm 2022 không ghi nhận doanh thu; năm 2023 ghi nhận khoảng 29,4 tỷ đồng, chiếm 23,96% tổng doanh thu.

Năm 2024, Becamex BCE dự kiến tiếp tục mở rộng và phát triển các dự án bất động sản, đẩy mạnh việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cho khách hàng, thực hiện giải pháp thu hồi công nợ.

Trong đó, Công ty sẽ tiếp tục thi công các dự án đã thực hiện trong năm 2023 và khởi công các dự án mới, như công trình nhà ở thương mại - dịch vụ công nhân tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước; công trình hạ tầng R2A Ecolakes; thi công nhà ở thương mại - dịch vụ công nhân Bàu Bàng tại Bình Dương

Thực tế, do lấn sân sang lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn khó khăn và việc tăng vốn từ 350 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng để bổ sung vốn triển khai dự án không được tiếp tục thực hiện, Becamex BCE đang có dấu hiệu khó khăn trong huy động vốn, dẫn tới không thể đảm bảo dòng tiền trả cổ tức, cũng như phát sinh nợ cổ tức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật