Mỹ sẽ phá vỡ truyền thống “tàu chiến cơ bắp” để làm chủ Thái Bình Dương?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ đang hướng tới việc xây dựng một hạm đội tàu đổ bộ mới, không ’cơ bắp’ như các cỗ máy truyền thống Mỹ, mà lại mang dáng vẻ ngược lại.
Mỹ sẽ phá vỡ truyền thống “tàu chiến cơ bắp” để làm chủ Thái Bình Dương?
Tàu đổ bộ Mỹ vốn là các con tàu “cơ bắp” nhất thế giới. Nguồn: people.com.cn.

Mới đây tạp chí Forbes tiết lộ báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về kế hoạch xây dựng các tàu chiến tương lai cho nhiệm vụ chiến đấu của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh, Washington cần phải sở hữu thêm nhiều tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ tương tự như tàu dân sự, điều này có thể bảo đảm cho Thủy quân lục chiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.

Nhằm vào chiến tranh tương lai

Theo báo cáo, một khi chiến tranh nổ ra ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ trở thành một trong những lực lượng đầu tiên phải giao chiến với kẻ thù.

Phương thức sử dụng các quân đoàn tiến hành đổ bộ đánh chiếm các đảo như trong Thế chiến thứ 2 sẽ không còn phù hợp với lực lượng này, thay vào đó, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được phân tán thành nhiều đơn vị chiến đấu nhỏ lẻ và sử dụng các tàu chiến đổ bộ nhỏ để bí mật cơ động giữa các đảo phía tây Thái Bình Dương.

Những hòn đảo này được lựa chọn bởi vì chúng nằm ở ngoại vi ngoài cùng trong phạm vi tấn công hỏa lực của đối phương. Ngay cả khi máy bay chiến đấu của đối phương bay đến đây, thời gian tác chiến trên không cũng sẽ không quá dài.

Sau khi Thủy quân lục chiến đổ bộ lên các “đảo tiền tiêu”, nhiệm vụ quan trọng nhất là thiết lập các vị trí tên lửa và các sân bay quân sự, nhằm làm điểm tựa chắc chắn để thực hiện các nhiệm vụ tấn công và phòng thủ tiếp theo.

Nhiệm vụ cơ động giữa các đảo là nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, bởi trong chiến tranh, đối thủ sẽ theo dõi chặt chẽ mọi động thái trên biển, đặc biệt là sẽ rất chú trọng tìm kiếm tàu chiến đổ bộ của đối phương.

Khi đó, tàu chiến và máy bay tuần tra của đối phương sẽ sử dụng radar chủ động để quét và theo dõi khu vực mục tiêu, đồng thời giám sát các tín hiệu radar khác nhau. Nếu radar quét và tìm thấy mục tiêu khả nghi, họ sẽ lập tức cử tàu và máy bay đến xác nhận và tiêu diệt.

Để tránh tình trạng này, Hải quân Mỹ cần một loại tàu đổ bộ hạng nhẹ, tính cơ động cao, để có thể trở thành “bóng ma” trên biển, di chuyển “xuất quỷ nhập thần”, lẩn tránh sự tấn công của đối phương.

"Đóng giả" tàu dân sự

Các tàu chiến như trên nên được đơn giản hóa hết mức có thể về thiết kế ngoại hình và trang bị vũ khí, khiến chúng giống tàu dân sự hơn là tàu chiến. Điều này có hai lợi thế:

Đầu tiên, chi phí chế tạo có thể được giảm đáng kể. Mỹ chỉ cần được phân bổ một phần ngân sách đóng tàu hàng năm trị giá 20 tỉ USD để mua các tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ, điều này không tạo ra nhiều ảnh hưởng đến các nguồn lực đóng các tàu lớn khác như tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm. Dự kiến, năm 2023 Hải quân Mỹ có thể mua con tàu đầu tiên, đến năm 2026 sẽ mua 9 chiếc và cuối cùng mua 36 chiếc để tạo thành một hạm đội bố trí ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Các con tàu đổ bộ trang bị “hoành tráng” sẽ trở nên lỗi thời? Nguồn: people.com.cn.

Thứ hai, phát huy tối đa khả năng tàng hình. Các tàu đổ bộ hạng nhẹ được chế tạo theo tiêu chuẩn thương mại có thân tàu mỏng hơn và trọng tải nhỏ hơn, các biện pháp đối phó hỏa lực cũng được cắt giảm. Ngoại trừ pháo 30mm, nó hầu như không được trang bị vũ khí nào khác. Bằng cách này, các tàu đổ bộ hạng nhẹ có khả năng gần như tàu dân sự và hoàn toàn có thể được trộn lẫn vào hàng nghìn tàu dân sự di chuyển trên biển. Đây chính là “khả năng tàng hình” của tàu, cũng là “chìa khóa” để cải thiện xác suất sống sót.

Người đứng đầu cơ quan mua sắm của Hải quân Mỹ tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ rằng, những tàu đổ bộ hạng nhẹ này "phải trông không thể phân biệt được với các tàu dân sự để cải thiện khả năng sống sót của chúng trong thời chiến".

Nói cách khác, các tàu đổ bộ hạng nhẹ nên "đóng giả" như tàu dân sự và hòa nhập vào hàng ngũ của các con tàu này, để đối thủ không thể phân biệt chúng với hàng nghìn tàu đánh cá, tàu lai dắt và tàu chở dầu đang di chuyển qua Tây Thái Bình Dương.

Dự án mang tính khả thi

Theo Forbes, việc chế tạo các tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ có khả năng tiếp cận vô hạn với tàu dân sự đã chứng minh được tính khả thi trên lý thuyết và thực tế.

Henry J. Hendrix, tác giả của cuốn sách "Xây dựng và duy trì hải quân" tin rằng, phương pháp chính để tàu đổ bộ hạng nhẹ tránh bị đối thủ phát hiện là giảm các đặc tính tín hiệu có thể phát hiện được. Ví dụ, không sử dụng radar trên tàu hoặc các cảm biến khác trước khi chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ. Trên cơ sở này, họ có thể tận dụng cơ hội “giống” tàu dân sự và di chuyển với tốc độ tương đương.

Eric Wertheim, tác giả của cuốn sách "Hạm đội chiến đấu thế giới", tin rằng giao thương hàng hải ngày càng bận rộn đã khiến Quân đội Mỹ có thể chế tạo các tàu đổ bộ hạng nhẹ giống vô hạn với các tàu dân sự. “Khi quy mô thương mại hàng hải tiếp tục mở rộng, những con tàu như vậy có nhiều khả năng bị lẫn với các tàu dân sự như tàu chở hàng, tàu đánh cá và tàu chở dầu, đặc biệt là ở vùng biển đông đúc như Tây Thái Bình Dương”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật