Trung Quốc chơi trò “trốn tìm” hạt nhân?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc có thể đang chơi trò “trốn tìm” hạt nhân bời ngay cả những người trong cuộc có khi không thể biết chính xác đâu là hầm chứa ICBM thật.
Trung Quốc chơi trò “trốn tìm” hạt nhân?
Hình ảnh do Washington Post đăng tải cho rằng Trung Quốc đang xây dựng hơn 100 hầm phóng ICBM

Ồ ạt xây dựng hầm phóng ICBM

Thời gian gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California (Mỹ), Trung Quốc đang xây dựng 119 hầm chứa (silo) tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc nước này. Những hầm chứa này được phát hiện thông qua ảnh chụp của các vệ tinh thương mại.

Trả lời phỏng vấn CNN, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho biết: “Nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đã chứng thực và công khai lên tiếng về năng lực hạt nhân ngày càng mạnh của Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng gấp đôi hoặc hơn thế trong thập kỷ tới”.

Gần đây nhất, tháng 4/2021, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard, đã trình bày trước Quốc hội nước này về sự "mở rộng chưa từng có" của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.

Trên thực tế, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 350 đầu đạn, nhỏ hơn nhiều so với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, hiện có những thông tin cho thấy Trung Quốc đã tích cực hiện đại hóa các bệ phóng vũ khí hạt nhân. Những năm gần đây, các tên lửa liên lục địa tầm trung và tầm xa mới đã giúp Trung Quốc nâng cao năng lực tấn công hạt nhân từ lãnh thổ đất liền của nước này. Hải quân Trung Quốc cũng đã đưa các tàu ngầm hạt nhân mới vào hoạt động, trong khi lực lượng không quân được trang bị các máy bay ném bom mới.

Trước đây, Trung Quốc chủ yếu phát triển ICBM di động, trong khi rất hạn chế phát triển các hầm chứa. Nhờ tính cơ động cao, ICBM rất khó bị phát hiện, nhưng lại dễ bị tấn công khi bị kẻ địch xác định được vị trí. Các hầm chứa thì ngược lại, bời theo giới chuyên gia Mỹ, chúng dễ bị phát hiện nhưng rất khó bị phá hủy.

Hiện có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ phát triển song song cả hai loại tên lửa hạt nhân chiến lược này để tăng cường năng lực răn đe hạt nhân tổng thể. Do chưa đủ khả năng bố trí tên lửa ICBM trong toàn bộ 119 hầm chứa nên Trung Quốc có thể đang chơi trò “trốn tìm” hạt nhân. Ngay cả những người trong cuộc có khi cũng không thể biết chính xác đâu là hầm chứa ICBM thật, đâu là hầm rỗng hoặc mô hình.

Riêng đối với Mỹ, giới phân tích cho rằng động thái của Trung Quốc đang khiến Washington phải đau đầu vì giờ đây phải tốn thêm nhiều nguồn lực hơn để theo dõi tất cả các loại vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Việc mở rộng hơn nữa kho vũ khí của mình giúp Bắc Kinh phân tán nguồn lực và sự chú ý của Mỹ.

Ảnh vệ tinh chụp cận cảnh một kết cấu được cho là hầm phóng ICBM của Trung Quốc

Trong khi đó, trang RT của Nga cho rằng, mặc dù chưa thể xác minh các báo cáo của Mỹ nhưng đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, sau những động thái đe dọa của Washington nhằm vào Trung Quốc và hoạt động tăng cường quân sự của nước này trong khu vực.

Bên cạnh đó, RT cũng dẫn một số ý kiến bác bỏ những phát hiện của phía Mỹ và cho rằng các cơ sở đang xây dựng trên thực tế là các trang trại điện gió. RT cũng nhấn mạnh rằng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh (khoảng 250-350 đầu đạn hạt nhân) vẫn rất nhỏ so với của Washington (3.800 đầu đạn). Ngoài ra, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hoạt động theo chính sách “không sử dụng trước”, còn của Mỹ thì không.

Nga không lo xa?

Trong chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô liên tục tăng cường năng lực tên lửa hạt nhân, mà đỉnh điểm là những năm 1980, khi Moscow tích lũy được gần 40.000 đầu đạn. Việc hai nước tích trữ vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên mối lo ngại thường trực về sự hủy diệt hạt nhân trên toàn cầu và có nguy cơ trở thành hiện thực sau các sự kiện như Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Tuy nhiên, sự cân bằng về “khả năng hủy diệt lẫn nhau” đã giúp ngăn chặn cuộc xung đột giữa hai siêu cường này bùng phát.

RT đánh giá, điều đó không thể so sánh với những căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù đã có vũ khí hạt nhân từ năm 1964, nhưng Bắc Kinh chủ yếu vẫn hướng đến mục tiêu duy trì khả năng "răn đe cơ bản" với khoảng 300 đầu đạn hạt nhân- tương đương với số lượng đầu đạn mà Anh và Pháp nắm giữ.

ADVERTISEMENT

Cũng theo RT, vị trí các hầm chứa tên lửa ở Cam Túc có ý nghĩa chiến lược. Thứ nhất, tỉnh này nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, lệch về phía Tân Cương. Đây là một vùng sa mạc biệt lập nằm ở phía Tây khu vực đông dân cư của Trung Quốc, cũng như cách xa khu công nghiệp và đô thị của nước này. Điều đó sẽ làm giảm thiệt hại cho các khu vực này trong thời gian xung đột, đồng thời giúp việc cất giấu và ngụy trang vũ khí dễ dàng hơn.

Thứ hai, vị trí này khiến máy bay chiến đấu của đối phương khó tiếp cận nhằm vô hiệu hóa các hầm chứa. RT đặt câu hỏi liệu các máy bay chiến đấu của Mỹ có thể tiến sâu hàng nghìn km vào đất Trung Quốc để tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào cơ sở hạ tầng quân sự mà không bị bắn hạ hay không?

Thứ ba, có khả năng Trung Quốc đã chọn Cam Túc, vốn nằm gần Tân Cương và Tây Tạng, nhằm đối phó với Mỹ và cả một đối thủ khác. Mặc dù các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bay xa hơn 9.000 km đến khu vực đất liền của Mỹ, song chúng cũng có thể bay tới phần lục địa Á-Âu rộng lớn và cả Ấn Độ Dương, mang đến nhiều lựa chọn để chống lại Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nói chung. Truyền thông Ấn Độ hiện cũng rất chú ý tới các động thái của Trung Quốc.

Các hầm phóng tên lửa được cho là dễ bị phát hiện nhưng khó tiêu diệt

Trang báo Nga cho rằng sẽ không có cuộc đối đầu hạt nhân nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh không lường trước một cuộc chiến như vậy, nhưng cũng không thể tránh khỏi lộ trình tiến tới một số hình thức phát triển vũ khí trong thời gian dài. RT cho rằng không nên trông chờ Trung Quốc thể hiện hoặc công khai năng lực thực sự, mà hãy để các đối thủ của nước này dự đoán và kiểm soát tình hình.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc như tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đánh giá, các hầm phóng nói trên dường như là một phần trong tiến trình mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm đảm bảo rằng năng lực răn đe hạt nhân của nước này sẽ có hiệu quả trước các đối thủ lớn hơn và tinh vi hơn.

Theo tờ báo Trung Quốc, Bắc Kinh đang duy trì một kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ - từ 300-350 đầu đạn, tương tự như của Anh và Pháp – trong tương quan so sánh với con số 5.000 của Mỹ và 6.000 của Nga. Ngay cả khi ước tính năm 2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi kho vũ khí của mình vào năm 2029 là chính xác, thì tổng số đầu đạn của Trung Quốc vẫn còn rất thấp so với của Mỹ và Nga.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật