Cuba phê duyệt vaccine nội

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuba phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Abdala sản xuất trong nước, trở thành vaccine Covid-19 đầu tiên của Mỹ Latinh đạt đến giai đoạn này.
Cuba phê duyệt vaccine nội
Nhân viên y tế cầm một lọ vaccine Abdala ở Cuba hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Cơ quan quản lý sức khỏe Cuba CECMED "bật đèn xanh" ngày 9/7, sau khi các nhà sản xuất của Abdala tháng trước thông báo vaccine này có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 hơn 92% sau khi tiêm ba liều.

Cuba đang nghiên cứu 5 loại vaccine. Hồi tháng 5 đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân bằng cách sử dụng hai trong số này, Abdala và Soberana 2, ngay cả trước khi chúng được phê duyệt.

Tính đến tuần này, 6,8 triệu trong số 11,2 triệu người Cuba đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 1,6 triệu người đã tiêm đủ ba liều. Cuba không mua hoặc tìm kiếm vaccine từ nơi khác. Họ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân trước cuối năm nay.

Dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ, Cuba đã có truyền thống tự sản xuất vaccine từ những năm 1980. Gần 80% vaccine ở Cuba được sản xuất tại địa phương.

Thế giới đã ghi nhận 186.750.959 ca nhiễm nCoV và 4.033.392 ca t‌ử von‌g, tăng lần lượt 425.753 và 6.890, trong khi 169.031.238 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.703.395 ca nhiễm và 622.560 ca t‌ử von‌g do nCoV, tăng 21.353 ca nhiễm và 262 ca t‌ử von‌g so với một ngày trước đó.

Ca nhiễm đang tăng nhanh chóng ở Mỹ khi biến chủng Delta chiếm ưu thế và chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ. Dù sở hữu lượng vaccine sẵn có cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ giảm mạnh từ tháng 4. Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn đang ghi nhận tỷ lệ nhiễm cao hơn, một xu hướng ngày càng rõ ràng trong những tuần gần đây.

Theo tiến sĩ Anthony Fauci, hơn 9/10 người Mỹ chết vì Covid-19 trong tháng 6 là những người không tiêm phòng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sự cấp thiết của tiêm phòng. "Bây giờ chúng ta không thể tự mãn", ông nói trong một cuộc họp báo. "Hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng và không được bảo vệ. Và bởi thế, cộng đồng của họ gặp rủi ro, bạn bè của họ gặp rủi ro, những người họ quan tâm cũng gặp rủi ro".

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.791.262 ca nhiễm và 407.132 ca t‌ử von‌g, tăng so với hôm trước lần lượt 39.154 và 1.165 ca.

Vinod Kumar Paul, người đứng đầu hội đồng chính phủ liên bang về vaccine nói trong một cuộc họp báo hôm 9/7 rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Ấn Độ, đã bùng phát từ tháng ba và giết hàng nghìn người, "vẫn chưa kết thúc". Ông cảnh báo người dân tránh tụ tập đông người ở các địa điểm du lịch.

Số ca mới hàng ngày ở Ấn Độ hiện chỉ bằng 1/10 mức đỉnh điểm hồi tháng 5. Các quan chức y tế cho biết hơn một nửa số ca Covid-19 mới được ghi nhận tại bang Kerala ở miền nam và Maharashtra ở miền tây đất nước.

Ấn Độ tiêm trung bình 3,7 triệu liều mỗi ngày trong tuần này, tương tự như tuần trước. Hiện chưa đến 1/10 trong số 950 triệu dân số Ấn Độ trưởng thành đủ điều kiện được tiêm chủng đầy đủ, hai tháng sau khi chính phủ liên bang mở chương trình tiêm chủng cho tất cả người lớn.

Các quốc gia Đông nam Á ghi nhận số ca nhiễm và t‌ử von‌g tăng đáng kể trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan và thiếu vaccine.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất và vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, ghi nhận hơn 38.000 ca nhiễm trong 24 giờ qua, gấp gần 6 lần so với một tháng trước. Thêm hơn 870 ca t‌ử von‌g tại Indonesia, gần gấp đôi so với mức tăng trong 24 giờ hồi đầu tháng 7.

Giới chức Indonesia ngày 9/7 áp lệnh hạn chế với 15 khu vực mới trên toàn quốc trong nỗ lực ngăn cuộc khủng hoảng xảy ra trên đảo Java, nơi các bệnh viện đang bị đẩy đến giới hạn và nguồn cung oxy cạn dần. 4 trong 5 khu nghĩa trang dành riêng cho người nhiễm nCoV qua đời tại thủ đô Jakarta gần hết chỗ.

Malaysia báo cáo thêm 9.180 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này. Giới chức Malaysia ban hành lệnh phong tỏa thủ đô Kuala Lumpur cùng vành đai công nghiệp.

Thái Lan ghi nhận thêm 9.276 ca nhiễm, buộc giới chức nước này siết các biện pháp hạn chế tại thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác, gồm lệnh giới nghiêm ban đêm, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh.

Myanmar ghi nhận số ca nhiễm và ca t‌ử von‌g mới cao kỷ lục, lần lượt là 4.320 và 63. Campuchia thông báo thêm 988 ca nhiễm và 30 ca t‌ử von‌g, cao nhất trong 9 ngày qua.

Các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ xét nghiệm thấp ở các quốc gia đông dân nhất là Indonesia và Philippines phần nào có thể che giấu mức độ bùng dịch. Trong khi đó, Myanamar gần như mất năng lực xét nghiệm vì khủng hoảng nổ ra sau khi quân đội tiếp quản quyền lực hồi tháng 2.

Tỷ lệ tiêm chủng tại Đông Nam Á vẫn ở mức thấp. Số người được tiêm đủ liệu trình tại Indonesia chiếm 5,4% dân số, tại Malaysia là 9,3%, Thái Lan là 4,7% và Philippines là 2,7%. Indonesia và Thái Lan ngày 9/7 thông báo sẽ tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 dùng công nghệ mRNA cho các nhân viên y tế trong bối cảnh lo ngại các biến chủng nCoV mới có khả năng kháng vaccine.

Trong khi đó, giới chức Singapore nới lỏng lệnh hạn chế được áp dụng khi phát hiện biến chúng Delta và dự kiến hoàn thành tiêm chủng cho một nửa dân số vào cuối tháng 7.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật