Indonesia sở hữu 120 triệu liều vaccine

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 9/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tính đến nay, quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương.
Indonesia sở hữu 120 triệu liều vaccine
tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, số vaccine trên bao gồm 108,5 triệu liều từ hãng Sinovac, 1,5 triệu liều từ hãng Sinopharm, 8.236.800 liều vaccine AstraZeneca từ Cơ chế COVAX, 998.400 liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ và 500.000 liều vaccine của Sinopharm do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chuyển giao.

Phát biểu họp báo trực tuyến với các phóng viên nước ngoài, Ngoại trưởng Retno cũng cho hay tính đến nay, Indonesia đã tiêm 49,6 triệu liều vaccine, đứng thứ tư ở châu Á về số lượng tiêm chủng.

Dự kiến trong những ngày tới, Indonesia sẽ tiếp nhận lô vaccine Moderna với hơn 3 triệu liều do Mỹ viện trợ, 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ. Cũng trong tháng này, Indonesia dự kiến sẽ tiếp nhận nhiều lô vaccine đặt mua hoặc được chia sẻ từ Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, UAE và Cơ chế COVAX.

* Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 9/7 thông báo chính phủ nước này sẽ xem xét đề xuất thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên tại Israel.

Thông báo cho biết, nhóm chuyên gia sẽ sớm đưa ra đề xuất để trình lên chính phủ trong bối cảnh nhu cầu tự sản xuất vaccine đã trở nên cấp thiết, đặc biệt xét nguy cơ dịch bệnh tái diễn trong tương lai. Bộ Tài chính Israel sẽ tiến hành các thủ tục và tham vấn các chuyên gia trước khi đưa ra phương án hiệu quả nhất.

Nếu được phê duyệt, nhà máy này sẽ sản xuất không chỉ vacccine mà cả các dược phẩm khác nhằm mục đích thương mại. Tuy nhiên, ưu tiên chính vẫn là xây dựng năng lực để có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tình huống dịch bệnh cấp bách. Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm mang lại được hiệu quả cao nhất cho nhà máy vaccine này.

Trước đó, Chính phủ Israel cũng có chủ trương tìm kiếm một đối tác nước ngoài để đưa loại vaccine trong nước do viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) nghiên cứu vào sản xuất. Hiện mẫu vaccine đang trong giai đoạn II của quá trình thử nghiệm.

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành cơ bản việc tiêm vaccine cho người dân; đồng thời cũng nằm trong nhóm nước đi đầu trong phát minh vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, toàn bộ vaccine sử dụng đều là nhập khẩu và cả hai mẫu vaccine do nước này tự nghiên cứu đều chưa hoàn thành đủ các khâu thử nghiệm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật