Về nơi Vua Hùng ăn Tết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rước Vua về ăn Tết và rước Chúa Gái là tục có từ lâu đời của người dân làng He (làng Vi - Trẹo) nay là thôn Triệu Phú và thôn Vi Cương (Phú Thọ).
Về nơi Vua Hùng ăn Tết
Đền Đông (thôn Vi Cương) là nơi duy nhất có kiệu rước Chúa Gái.

Rước Vua về ăn Tết và rước Chúa Gái là tục có từ lâu đời của người dân làng He (làng Vi - Trẹo) nay là thôn Triệu Phú và thôn Vi Cương thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Rước Vua về ăn Tết

Tục rước Vua về ăn Tết được ghi chép trong nhiều tài liệu khác nhau và trong trí nhớ của người dân địa phương cũng có sự sai khác vì câu chuyện được lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời. Tuy nhiên, những điểm cốt lõi của tục này vẫn còn nguyên và được người dân gìn giữ.

Cụ Nguyễn Xuân Tình (làng Triệu Phú) năm nay đã 86 tuổi nhưng còn rất khỏe và minh mẫn. Sở dĩ, những chuyện về làng He với tục rước Vua về ăn Tết được cụ nhớ lâu và kỹ bởi người nhà cụ (chị gái của bố) từng được chọn làm Chúa Gái và được dân làng rước trong lễ hội khi còn là một cô bé.

Trong tiết trời lành lạnh cuối Đông, tại ngôi đền Triệu Phú (trước đây là có tên là đền Trẹo), cụ Tình chậm rãi kể: Hai thôn Vi - Trẹo có tập tục giống nhau vì cùng được tách ra từ một làng cổ xưa có tên cổ gọi là làng He. Làng Trẹo được biết đến từ thiên niên kỷ thứ III.

Đây là làng Việt cổ nhưng lại nằm trên đất Trung Du và sớm tiếp cận với nền văn hóa lúa nước. Cho nên, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện và không phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Làng có tên như vậy vì trước đây khu vực này hầu hết là cây Trẹo nên mọi người gọi vậy cho dễ nhớ.

Kể về tục rước Vua về ăn Tết, cụ Tình nói: Khi Vua Hùng đi từ Phương Bắc về đóng đô ở núi Nghĩa Lĩnh, nhân dân hai bên sông Thao và sông Lô đều muốn mời Vua về ăn Tết. Vua phán rằng, sáng sớm ngày mai nếu ta nghe thấy tiếng chó sủa, gà gáy ở bên nào gần hơn thì sẽ về bên ấy.

Người dân bên bờ sông Thao đã bàn nhau dựng lều lán và mang theo chó, gà ở chân núi Hùng. Canh 5 đêm ấy, dân làng Vi - Trẹo bảo nhau trêu chó và giả tiếng gà để gà gáy theo. Vua cho người xuống xem và được bẩm báo lại nên Hùng Duệ Vương đã chọn làng Vi - Trẹo là nơi ăn Tết.

Ngày 25 tháng Chạp năm đó, người dân trong làng chuẩn bị chuẩn bị kiệu, lễ vật, ô lọng chu đáo, cờ quạt rợp trời đến bãi rước Vua để đón Vua về ăn Tết.

Ngày 26, Vua gặp dân làng ban sắc là dân sở tại (dân trưởng) có trách nhiệm phụng sự triều đình và trông coi miếu vũ của họ Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ đó về sau, người dân làng Trẹo lấy mốc ngày 25 tháng Chạp là ngày rước Vua về ăn Tết.

Sau này, làng Trẹo và làng Vi lập ngôi đình chung là đình Cả và lập đền Trung trên núi Hùng để thờ các Vua Hùng. Khoảng thế kỷ XVI, hai thôn tách ra và làm tại mỗi thôn một đình. Làng Vi làm đình Đông, làng Trẹo làm đình Triệu Phú và đều thờ chung 18 đời Vua Hùng như ở Đền Hùng.

Thế kỷ XVIII, dân làng Vi đã lên lập đền Hạ để thờ các Vua Hùng như ngày nay. Từ đấy về sau này, tục lệ chỉ có 2 làng này mới được cử người hàng năm lên núi Nghĩa Lĩnh để làm thủ nhang tại Đền Hạ và Đền Trung trên núi. Đồng thời, 2 làng Vi - Trẹo cùng có tục rước Vua về ăn Tết vào những ngày cuối tháng Chạp, cùng nhau tổ chức rước Chúa Gái và các lễ hội của làng.

Lễ vật dâng Vua

Theo trí nhớ của các cụ cao niên ở địa phương, việc tuyển chọn người tham gia đoàn rước và lễ vật dâng Vua (lễ tế) được lưu truyền từ nhiều đời trước. Đến nay, một số lễ vật tại các lễ tế vẫn được các thôn chuẩn bị chu đáo với qui định ngặt nghèo.

Cụ Tình kể rằng, trước khi tổ chức đón Vua về ăn Tết, dân làng họp và chia thành 3 bộ phận. Bộ phận thứ nhất mang theo lễ vật gồm ván gà, đèn nhang, hoa quả lên đền Trung (Hùng Vương Tổ Miếu) và Đền Hạ thỉnh xin được đón vua về làng ăn Tết.

Bộ phận thứ 2 đón ở cổng làng (còn có tên gọi là bãi rước vua) lập ban thờ, để kiệu, voi, ngựa và làm lễ rước. Bộ phận thứ 3 tại đình làng, ông thủ nhang sắm nghi lễ gồm lễ chay và lễ mặn.

Lễ dâng vua trong Tết Nguyên đán trước đây là lợn và gà. Trong đó, lợn có thể tế sống cả con hoặc tế thủ đã làm chín. Ngoài ra còn có hoa quả gồm chuối tiêu, mía ram (mía đỏ), cam sành, trà ngũ vị.

Cũng theo cụ Tình, những cụ cao niên và thanh niên khỏe mạnh trong làng được tuyển chọn tham gia đoàn rước Vua. Bên cạnh đó, lợn để làm lễ tế được giao cho 1 gia đình có nhân đức, phong quang (không có tang) nuôi. Lợn chọn nuôi là lợn đực, đen tuyền và tục này đến nay vẫn duy trì.

Khi đoàn rước Vua từ núi Hùng về đầu làng, kiệu sẽ dừng ở bãi rước Vua để dân làng làm lễ và chờ khi nào gió đổi chiều thì đoàn kiệu sẽ tiếp tục rước Vua về đình. Ngày 26 tháng Chạp, dân làng tổ chức tế yên vị.

Đến đêm giao thừa tổ chức lễ lấy tiếng hú. Theo lời kể của ông Nguyễn Trọng Phước Bí thư Chi bộ Khu 3 (thôn Vi) đây là hoạt động mô phỏng lại buổi dân làng đi tìm công chúa Ngọc Hoa lạc đức chúa Tản Viên. Khi người dân đi tìm công chúa, do người đông nên lấy hiệu là tiếng hú. Khi nào tìm được công chúa thì hú lên để mọi người biết.

Hiện nay, lễ lấy tiếng hú vẫn được người dân địa phương duy trì. Cụ Tình cho biết, khi lấy tiếng hú phải về trước sang canh (thường là trước 11 giờ đêm giao thừa).

Khi đó, người dân chuẩn bị nghi lễ gồm: Nhang đăng, hoa quả và 1 con gà trống còn sống. Con gà này trước đó được giao cho 1 gia đình mới sinh con trai nuôi. Gà phải có màu vàng, chân vàng.

Đến ngày Mùng 2 Tết, dân làng tổ chức tế Hèm. Lễ vật gồm thủ lợn và phần thịt bụng cắt ra từ con lợn. Phần thịt lợn này sau được đem làm nhân bánh chưng. Con lợn này cũng được giao cho gia đình phong quang nuôi. Phần thịt làm nhân bánh gọi là hèm do vậy sau này người dân gọi lễ tế đêm Mùng 2 Tết là lễ tế Hèm.

Ngày Mùng 4 là ngày đại tiệc, dân làng tổ chức cả phần lễ và phần hội. Theo lời cụ Tình, lợn được chọn để tế ngày mùng 4 vẫn là lợn đực, đen. Trước khi mổ, lợn được dắt ra bãi thả rồi dân làng khua chiêng, gõ trống dồn bắt. Đây là nghi thức mô tả lại hoạt động sắn bắn của người Việt cổ.

Sau khi bắt, lợn được đưa về đình mổ thịt để làm cỗ. Trước đây, phần thịt xỏ của lợn chỉ các vị bô lão có chức sắc trong làng mới được hưởng. Cũng trong ngày này, làng mở hội gồm các trò: Đấu võ, xạ cung, chạy địch, giật cờ, đu tiên, đấu kê…

Ngày 6 tế trình tượng mã. Ngày 7 tháng Giêng, tế tiễn Vua hồi quy Nghĩa Lĩnh. Ngày này, 2 làng làm lễ ở đình Triệu Phú và đình Đông (thôn Vi) rồi rước về đình Cả. Làng Trẹo rước kiệu Văn đi trước, làng Vi rước kiệu Bát Cống đi sau.

Tối mùng 7 tế lễ ở đình Cả có tiết mục tùng dí. tiết mục này mang 2 ý nghĩa là mừng được mùa và mua vui để dân làng lấy may. Ngày Mùng 8, thủ nhang 2 đình hóa voi ngựa và làm lễ tiễn Vua về thượng sơn tựu thổ.

Bãi rước Vua cùng cổng làng Triệu Phú (làng Trẹo) đang được nhân dân phục dựng và xây mới.

Hội làng He

Lễ rước Vua về ăn Tết và tục rước chúa Gái đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay. Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, góp phần nâng cao truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính đối với tổ tiên. Những năm gần đây, chính quyền và người dân địa phương đã phục dựng và duy trì hoạt động này nhằm gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Ông NGUYỄN ĐẮC GIANG (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn)

Lễ rước Chúa Gái trước đây còn có tên tục là lễ hội làng He được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Thông tin về lễ hội cũng có nhiều dị bản khác nhau do tục được truyền miệng qua nhiều đời. Thế nhưng, một số nét chính của lễ hội vẫn được dân làng lưu giữ và phục dựng.

Ông Nguyễn Trọng Phước cho biết, tục rước Chúa Gái không phải năm nào cũng làm mà chỉ những năm được mùa dân làng Vi – Trẹo mới họp bàn để thống nhất tổ chức. Hiện, chỉ có duy nhất ở đình Đông (thôn Vi) là có kiệu rước Chúa Gái.

Việc lựa chọn người đóng vai Chúa Gái khá kỹ càng, phải là người trẻ từ 12 đến 15 tuổi, đẹp chưa có chồng, thùy mị, nết na, gia đình phong quang (không có tang chế). Gia đình có con là Chúa Gái phải xếp dọn nhà cửa thành nơi thờ kính, may sắm quần áo đẹp, đồ nữ trang cho con.

Trước ngày rước 1 tuần, nhà Chúa Gái được dân làng trang trí, treo đèn, kết hoa... Chúa Gái từ chiều 30 tháng chạp đến ngày 7 tháng giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt đều do các nữ tỳ - cũng là những cô gái chưa chồng, xinh đẹp, nhà không có tang - phục vụ.

Ngày rước Chúa gái cũng chính là ngày hội làng He, tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng. Đoàn rước kiệu Chúa gái gồm bảy nữ tỳ đi cùng để phục vụ công chúa, trong đó có bốn nữ tỳ rước kiệu, hai nữ tỳ cầm quạt và một nữ tỳ đi theo để phục vụ và thay nhau rước kiệu.

Cụ Tình (ngoài cùng bìa trái) và đại diện chính quyền địa phương giới thiệu về đền Triệu Phú (đền Trẹo).

Trong đám rước có phường Đồng văn hóa trang làm nhiều trò như: Câu cá, múa, trình nghề. Khi kiệu Chúa Gái đến gần Đình Cả thì có thêm 2 voi, 4 ngựa (đều làm bằng giấy nhưng to như voi, ngựa thật) chờ sẵn cùng đi.

Cũng theo lời ông Nguyễn Trọng Phước, nghi lễ rước Chúa Gái kết thúc, gia đình có con được chọn làm Chúa Gái phải cõng cô gái qua chuồng lợn, bò (nơi ô uế) rồi mới vào nhà. Tục này cho rằng, khi đi qua những nơi ô uế như vậy thì thần, ma sẽ không đi theo cô gái.

Theo người dân địa phương, lễ hội làng He trước đây được tổ chức với nhiều trò vui như: Săn lợn, chạy địch, chạy tùng dí và diễn trò bách nghệ khôi hài…để công chúa không buồn bã nữa mà vui lòng lên kiệu về với chồng trên núi Tản sông Đà. Lễ hội với không khí vui tươi, không chỉ thu hút nhân dân 2 làng Vi - Trẹo mà còn thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài huyện tới dự hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật