Triết lý giáo dục con cháu của Khang Hy: Toàn diện và kỷ cương làm đầu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khang Hy nhà Thanh không những nổi tiếng là hoàng đế có tư tưởng tương đối tự do, rộng mở trong việc trị quốc mà còn được ngưỡng mộ với cách dạy con cháu.
Triết lý giáo dục con cháu của Khang Hy: Toàn diện và kỷ cương làm đầu
Khang Hy nổi tiếng dạy con nghiêm khắc. Ảnh minh họa: Sina

Chú trọng giáo dục

Theo cuốn "Lịch sử học thuật của Trung Quốc trong gần 300 năm qua", Khang Hy được mệnh danh là ông vua uyên bác nhất trong lịch sử đại lục.

Lên ngôi năm 8 tuổi và làm hoàng đế trong 61 năm, sinh được 35 con trai, 20 con gái và có 97 người cháu, Khang Hy rất chú trọng việc dạy dỗ bởi ông ý thức được tầm quan trọng của kỷ cương và giáo dục.

Cha của ông, Hoàng đế Thuận Trị, mồ côi từ nhỏ. Thuận Trị lên ngôi vua khi còn rất trẻ với mục đích ổn định chính trị và xã hội. Ông chỉ có thể dựa vào sự siêng năng và chăm chỉ để không ngừng học hỏi kiến thức. Vì thức đêm học tập vất vả mà nhiều lúc Thuận Trị cũng kiệt sức đến đổ bệnh.

Vị hoàng đế này rất chú trọng đến việc giáo dục các hoàng tử ngay từ thời thơ ấu. Ông khiến họ mất đi cảm giác được sinh ra trong gia đình hoàng tộc, mà thay vào đó là "nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề" với đất nước.

Khang Hy lớn lên dưới sự dạy dỗ, huấn luyện nghiêm khắc đó của cha. Chính điều này đã ảnh hưởng đến cách dạy dỗ con cháu của ông sau này. Thuận Trị băng hà sớm. Qua một đêm, triều đại nhà Thanh rộng lớn đặt lên đôi vai nhỏ bé của vị hoàng đế 6 tuổi.

Giáo dục toàn diện

Nhà Thanh là một triều đại do người Mãn Châu thành lập. Dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Nguyên và lập triều đại nhà Thanh đã nhanh chóng đồng hóa dân tộc Hán.

Khi trời còn chưa sáng, đích thân Khang Hy kiểm tra và đốc thúc việc học tập của các hoàng tử. Ảnh minh họa: Sina

Để cai trị tốt hơn người Hán, nhà Thanh rất chú trọng đến việc để các hoàng tử học văn hóa Hán. Hầu hết hoàng tử bắt đầu đi học từ năm 6 tuổi.

Nhìn chung, thầy dạy của hoàng tử được chia thành 3 nhóm: Thầy giáo phụ trách tiếng Mãn và tiếng Mông Cổ, chủ yếu là dạy hoàng tử kế thừa và tiếp nối tinh hoa văn hóa Mãn Châu; Thầy giáo Nho giáo người Hán, chủ yếu dạy văn hóa Hán và tri thức Nho giáo; Thầy dạy võ thuật và các khía cạnh khác như kỹ năng cưỡi ngựa và bắn cung.

Kỷ luật nghiêm khắc

Ngoài giáo dục toàn diện, đặc điểm lớn nhất trong cách giáo dục con cái của Khang Hy chính là sự nghiêm khắc. Việc giáo dục các hoàng tử thời này luôn được coi là nghiêm khắc nhất ở triều đại nhà Thanh, và thậm chí trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.

“Khang Hy giáo tử đình huấn cách ngôn” ghi rõ: "Khi trời còn chưa sáng trẫm đã đích thân kiểm tra đốc thúc việc học tập, từ Thái tử Đông Cung cho đến các hoàng tử khác, theo thứ tự lần lượt lên điện đọc kinh thư. Khi mặt trời xuống núi còn lệnh cho hoàng tử học chữ, học bắn cung đến tận đêm khuya. Bắt đầu từ ngày xuân cho đến ngày cuối năm không có ngày nào lười biếng".

Trong "Tiếu Đình Tạp Lục", Hoàng đế Khang Hy đưa ra lịch học cụ thể cho các hoàng tử như sau:

Giờ Dần (3:00-5:00 sáng): Xem lại những gì đã học hôm trước;
Giờ Thìn (7:00-9:00): Học văn hóa và lễ nghi Trung Hoa;
Giờ Tỵ (9:00-11:00): Học các chữ và bài viết tiếng Mãn Châu, Mông Cổ và Trung Quốc;
Buổi trưa (11:00-13:00): Ăn trưa, sau đó tiếp tục làm việc chăm chỉ;
Giờ Mùi(13:00-15:00): Học võ thuật, cung tên, cưỡi ngựa;
Giờ Dậu (17:00-19:00): Tự học và hoàn thành bài tập.

Lịch trình hàng ngày của các hoàng tử dày đặc, hầu như không có thời gian để giải trí. Mọi lời nói và việc làm của họ đều được các sử gia ghi lại.

Thỉnh thoảng, Khang Hy sẽ kiểm tra ngẫu nhiên việc học hành của các con. Nếu không tiến bộ, không chỉ bản thân hoàng tử mà ngay cả thầy dạy cũng sẽ bị trừng phạt. Vì vậy, nhiều hoàng tử rất sợ Khang Hy, và các thầy cũng rất nghiêm khắc để học trò hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Khang Hy chú trọng dạy con tu dưỡng cả trí tuệ và đạo đức. Ảnh minh họa: Sina

Vào mùa thu, Khang Hy lại dẫn các hoàng tử đi săn. Cuối cùng, họ sẽ cùng nhau đếm con mồi. Ai săn được nhiều thì được thưởng, ai săn được ít thì bị phạt.

Bên cạnh thời gian biểu dày đặc và nghiêm khắc, Hoàng đế Khang Hy còn để lại những tâm đắc về việc tu dưỡng đạo đức trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”. Đây là cuốn sách có tầm ảnh hưởng to lớn và xuyên suốt đến nhiều đời sau, đồng thời được coi là một trong những cơ sở kiến lập duy trì sự ổn định vương triều Mãn Thanh hơn 200 năm.

"Phàm là lúc rảnh rỗi, vô sự, nếu một người có thể duy trì trạng thái chủ động như khi có việc để đề phòng sự cố có thể xảy ra thì sẽ không có bất luận chuyện gì xảy ra ngoài ý muốn. Ở vào lúc có chuyện xảy ra, nếu có thể duy trì được trạng thái ung dung bình thản, ổn định lại suy nghĩ của mình thì sự tìn‌h t‌ự nhiên sẽ được giải quyết. Cổ nhân nói: Tâm yếu tiểu nhi đảm yếu đại. Mỗi khi gặp chuyện đều nên là như vậy".

Vì vậy, mặc dù không phải hoàng tử nào cũng trở thành hoàng đế, nhưng những người còn lại cũng có thành tựu nổi bật. Ví dụ, Dận Chỉ, con thứ ba của Khang Hy, là một nhà khoa học rất xuất sắc. Ông từng chủ trì biên soạn “Tuyển tập Cổ thư và Hiện đại”, với tổng số 10.000 cuốn.

Ngoài ra, còn có rất nhiều hoàng tử xuất sắc về văn hóa và hội họa. Vô luận là thế nào, trong số hoàng tử và cháu nội của Khang Hy, không có lấy một kẻ không tri thức và kém cỏi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật