Được trợ giá hàng trăm tỷ, Quảng An 1 vẫn nợ lương tài xế, nhân viên xe buýt

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ 2017 đến tháng 5/2022, Đà Nẵng chi hơn 138 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt trợ giá nhưng công ty vận hành các tuyến buýt này vẫn nợ lương, BHXH tài xế, nhân viên.
Được trợ giá hàng trăm tỷ, Quảng An 1 vẫn nợ lương tài xế, nhân viên xe buýt
Ngày 5/10, sau khi được lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải vận động, các tài xế xe buýt trợ giá ngừng lãn công, làm việc trở lại.

Ngày 5/10, hàng chục tài xế, nhân viên hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng tổ chức lãn công, đình công để yêu cầu Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng (Công ty Quảng An 1) trả lương. Lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) TP Đà Nẵng phải xuống vận động tài xế trở lại làm việc.

Tài xế kêu trời vì không có lương

Ông Nguyễn Đình Tiến (46 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), tài xế chạy xe buýt trợ giá Đà Nẵng do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng vận hành cho biết, cuộc sống ông rất khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty nợ lương các tháng 4, 5, 6, 8, 9. Riêng tháng 7, khi các tài xế phản ứng gay gắt thì công ty mới trả lương.

Không đủ tiền để trang trải cuộc sống, hằng ngày đi làm, ông Tiến cũng như nhiều tài xế khác phải mang theo cơm ăn chứ không dám mua cơm hộp ngoài quán.

Tôi nuôi 2 đứa con tuổi ăn, học với mức lương chưa đầy 3 triệu đồng/tháng lại còn bị nợ đến 5 tháng lương, khó khăn trăm bề”, ông Tiến bức xúc.

Ngoài nợ lương nhân viên, Công ty Quảng An 1 còn bị tài xế tố chây ì trả tiền ký quỹ (tiền đặt cọc trước khi vào lái xe buýt trợ giá Đà Nẵng) là 15 triệu đồng/tài xế.

Ông Đặng Việt Anh (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) làm tài xế buýt trợ giá Đà Nẵng từ khi hệ thống buýt này mới hình thành cho biết, tháng 5/2022, ông được giải quyết nghỉ việc đến nay chưa nhận lại được tiền ký quỹ đã đóng.

Không chỉ nợ lương, hầu hết tài xế, người lao động cũng không được công ty đóng bảo hiểm y tế. Ông Tiến bị thương ở chân khi chằng chống nhà chống bão Noru vừa qua nhưng không dám đi bệnh viện khám vì không có tiền, không có bảo hiểm y tế.

Đi khám bệnh thì công ty nói mang giấy tờ về trả lại. Nhưng tiền lương họ còn nợ thì tiền khám bệnh biết bao giờ lấy được”, ông Tiến nói.

6 năm, nhận trợ giá gần 138 tỷ đồng

Tìm hiểu của PV, hệ thống buýt trợ giá của Đà Nẵng đưa vào khai thác từ năm 2016. Toàn thành phố có 11 tuyến buýt thuộc hệ thống mạng lưới xe buýt B40 hoạt động theo hình thức đấu thầu có trợ giá, do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 trúng thầu vận hành.

Trong đó, 5 tuyến buýt trợ giá (05, 07, 08, 11, 12) hoạt động từ tháng 12/2016 đã hết thời hạn hợp đồng 5 năm, hiện Sở GT-VT đang làm thủ tục để đấu thầu lại.

Theo Sở GT-VT TP Đà Nẵng, việc trợ giá cho hệ thống buýt này sử dụng phương pháp tổng hợp lượt hành khách và số ki lô mét chạy xe trên cơ sở hợp đồng đã ký kết cũng như đối chiếu kết quả nghiệm thu thanh toán chi phí trợ giá cho doanh nghiệp vận tải.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, việc thanh toán tiền trợ giá cho Công ty Quảng An 1 luôn được thực hiện đúng thời hạn hằng tháng, chi trả đúng, đủ trên cơ sở thực tế. Số tiền thanh toán cho 11 tuyến buýt trợ giá từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2022 là gần 138 tỷ đồng.

Ngân hàng thu xe của Công ty Quảng An 1 để siết nợ. 

Dù nhận trợ giá với số tiền lớn nhưng theo BHXH TP Đà Nẵng, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng nằm trong danh sách đơn vị nợ lớn, kéo dài trên địa bàn thành phố. Tính đến 31/8/2022, tổng số tiền nợ BHXH (không bao gồm nợ lãi) của công ty này là hơn 7,2 tỷ đồng. Riêng nợ BHYT là gần 900 triệu đồng.

Mới đây, hàng loạt xe buýt trợ giá (thuộc 5 tuyến buýt hết hạn hợp đồng) của Công ty Quảng An 1 tại Đà Nẵng cũng bị ngân hàng thu xe siết nợ.

Lãnh đạo Sở GT-VT TP Đà Nẵng cho biết, Sở đang mời phía Công ty Quảng An 1 vào Đà Nẵng để làm việc cụ thể, tìm hướng xử lý lâu dài, tránh tình trạng tài xế lãn công, đình công vì bị nợ lương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật