Sông Sài Gòn “đẹp nhưng thiếu đò”, bến Nhà Rồng nhưng sao không có bến?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP.HCM muốn hoạt động đường thủy phải sôi nổi từ vận tải hành khách, hàng hóa, du lịch đến các sản phẩm hai bên bờ sông... nhưng thiếu bến thủy, mất vệ sinh cảnh quan đang lãng phí cơ hội của du lịch đường sông.
Sông Sài Gòn “đẹp nhưng thiếu đò”, bến Nhà Rồng nhưng sao không có bến?
Du lịch đường sông của TP.HCM nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức - Ảnh: T.T.D

Tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc giữa Thường trực HĐND TP.HCM và doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn TP chiều 6-10, ông Phan Xuân Anh - Công ty Du Ngoạn Việt, chuyên về du lịch tàu biển - cho biết vừa đi khảo sát các tuyến đường sông ở TP.HCM và thấy tiếc vì sông Sài Gòn “có sông mà không có đò” dù dòng sông nào cũng rất đẹp, hiền hòa. 

"Vì sao lại có việc thiếu vắng này? Ngoài nút thắt chính sách, du lịch đường sông không phát triển có phải một phần do không có bến thủy nội địa không?", ông Xuân Anh đặt vấn đề. 

Theo chủ doanh nghiệp này, không biết có phải vì lo ngại an toàn hay không mà các điều kiện vận hành bến thủy nội địa chặt chẽ đến mức phiền toái, rắc rối cho người đầu tư bến như không cho buôn bán ăn uống giải khát tại bến, không cho nơi gửi xe, thủ tục cho xây bến vượt quá năng lực và tài chính của nhà đầu tư... 

“Ngay cảng Sài Gòn có bề dày lịch sử từ 1860 nhưng chúng ta cũng chưa tìm cách phát huy, như đầu tư thành trung tâm du thuyền (cruise center) tạo điểm nhấn và khác biệt của TP với nơi khác”, ông Xuân Anh nói. 

Ví dụ cho sự lãng phí tài nguyên sông hiện nay, ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty Thường Nhật - cũng tỏ ra tiếc rẻ vì bến Nhà Rồng rất đẹp, từng là bến lịch sử, nhưng hiện nay không còn. 

Ngay như bến Nhà Rồng, ở ngay đầu sông Sài Gòn rất đẹp nhưng đến nay vẫn chưa có đường thủy kết nối vào bến. Trong khi nếu có một bến thủy ở đây sẽ tạo ra sự kết nối, du khách có nhiều cảm xúc khi đi tour hơn. Lúc đó, chúng ta mới có những sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị. 

"Trong bất kỳ sản phẩm du lịch nào từ ẩm thực, cảnh quan... đều cần hỗ trợ về chính sách. Tuy nhiên, trong phát triển du lịch đường sông chúng ta lại rất chậm trễ về quy hoạch, dẫn đến lãng phí rất lớn, nhiều quy định, chính sách cơ chế chưa cập nhật thực tiễn", ông Toản nêu. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình rằng du lịch biển của TP.HCM rất mờ nhạt, trong khi phát triển thành công thì là cách thức đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho du khách hiệu quả. Chẳng hạn với Cần Giờ, có thể nghiên cứu mở rộng du lịch biển Cần Giờ theo hướng xanh - sạch.

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết theo thống kê của cơ quan này, trên địa bàn TP có hơn 410 bến thủy nội địa. Sở đã tham mưu cho UBND TP để duy trì các bến thủy các quận, huyện phải liên tục cập nhật vào đồ án quy hoạch của mình.

Theo luật hiện nay, bến thủy nội địa và khu neo đậu phải có quy hoạch ngành hoặc quy hoạch khác của địa phương. Tuy nhiên, quy hoạch ngành TP lại chưa có trong khi nhu cầu về khu neo đậu của TP rất lớn nhưng chỉ phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy của tổ chức, cá nhân (hộ gia đình) trên địa bàn, chưa kinh doanh. 

Cũng theo ông Hòa An, bến thủy và hoạt động của bến tàu luôn phải có sự kết nối đồng bộ. Trên bờ phải có nhà chờ, xe nối tiếp, toilet... nhưng quy định đất ở hành lang bờ sông thì không được phép làm gì cả. 

Hiện các sở đang nghiên cứu và tham mưu TP quy hoạch bến dưới nước thì phải có bến trên bờ, khai thác xây dựng, thu phí làm sao... cho phù hợp. Hy vọng thời gian tới sẽ có phương án cuối cùng để giải tỏa nhu cầu của thị trường. 

"Việc thiếu bến thủy, thiếu kết nối và vệ sinh cảnh quan sông kém làm cho du lịch đường sông chưa phát triển được", ông An nhìn nhận. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật