Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey Neo G8: mọi game thủ phải “chảy nước miếng”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại CES 2022, nhiều hãng sản xuất đồng loạt ra mắt các sản phẩm màn hình gaming mới của mình. Cao cấp có, phổ thông có, nhưng tất cả đã bị lu mờ trước sự xuất hiện của Samsung Odyssey Neo G8. Đây là màn hình gaming 4K đầu tiên trên thế giới có tần số quét lên tới 240Hz, và không phải ngẫu nhiên khi Samsung Odyssey Neo G8 đạt giải thưởng CES 2022 Best of Innovation (Đột phá xuất sắc nhất).
Đánh giá màn hình gaming Samsung Odyssey Neo G8: mọi game thủ phải “chảy nước miếng”
Ảnh minh họa

Chọn độ phân giải cao hay tần số quét? Đó là câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí của game thủ suốt nhiều năm qua, và Odyssey Neo G8 giống như “giấc mơ thành hiện thực”. Về cơ bản, Odyssey Neo G8 trang bị gần như tất cả các công nghệ tốt nhất hiện tại của Samsung. Bên cạnh là màn hình gaming 4K 240Hz đầu tiên trên thế giới, Odyssey Neo G8 còn hứa hẹn chất lượng hiển thị đỉnh cao khi sở hữu công nghệ Quantum Mini-LED với 1.196 vùng làm mờ cục bộ (local dimming), mức màu đen lên tới 12 bit và Quantum HDR2000 đem lại độ sáng cực đại 2.000 nit và tỷ lệ tương phản tĩnh 1.000.000:1. 

Với kích thước 32 inch cùng độ cong 1000R, Odyssey Neo G8 chắc chắn không phải là một màn hình nhỏ. Cân nặng 9kg tính cả chân đế cùng chiều dài trước ra sau khoảng 30cm, bạn sẽ cần một chiếc bàn với chiều rộng ít nhất 80-100cm để có sự thoải mái tối đa cả về diện tích mặt bàn lẫn khoảng cách khi sử dụng. 

Công thái học là một điểm cộng của Odyssey Neo G8, khi chân đế hỗ trợ đầy đủ nâng lên hạ xuống, ngửa/cụp màn hình, xoay ngang trái phải, chỉ không có chức năng xoay dọc, nhưng thực tế thì màn hình gaming thường chúng ta chẳng xoay dọc làm gì cả. Và vì lý do gì đó nếu bạn có nhu cầu chơi game với màn hình dọc thì Samsung cũng có một sản phẩm khác là Odyssey ARK với tấm nền 55 inch, 4K 165Hz Quantum Mini-LED.

Phần “mặt tiền” của Odyssey Neo G8 gần như vẫn giữ nguyên triết lý thiết kế của dòng màn hình gaming Odyssey với các cạnh vuông vức, vài đường gân nổi điểm xuyết làm tăng “chất gaming” cho sản phẩm. Ở cạnh dưới màn hình ngoài logo Samsung và Nvidia G-Sync thì ở hai góc còn được trang bị dải đèn LED RGB đồng bộ với hệ thống CoreSync ở phía sau.

Logo Samsung đặt chính giữa, phía bên dưới là các phím điều khiển OSD.

Odyssey Neo G8 có cả dải LED ở phía trước, đồng bộ với lõi CoreSync.

Thiết kế mặt lưng ấn tượng của Odyssey Neo G8 được kế thừa từ đàn anh Neo G9, với màu trắng bóng bẩy cùng các đường nét giống như một sản phẩm đến từ tương lai. Phần trung tâm là lõi phát sáng CoreSync khiến mình liên tưởng đến lò phản ứng hồ quang của IronMan, trông rất “ngầu”. Phần lõi sáng này sẽ đồng bộ với các dải đèn LED trước sau cũng như nội dung đang hiển thị để mang lại trải nghiệm chìm đắm nhất, nhưng bạn nên chơi game ở không gian tối để có thể cảm nhận rõ rệt nhất.

Odyssey Neo G8 thừa hưởng nhiều nét thiết kế từ đàn anh Odyssey Neo G9.

Lõi phát sáng CoreSync

Về cổng kết nối, Odyssey Neo G8 trang bị khá đầy đủ với 2 cổng HDMI 2.1, 1 cổng DisplayPort 1.4, jack tai nghe 3.5mm cùng hai cổng USB 3.0 passthrough để bạn cắm các thiết bị ngoại vi nếu muốn. Đi kèm với màn hình có một chiếc ốp nhựa để gắn vào phía ngoài khu vực cổng kết nối, vừa để tiện đi dây vừa tăng tính thẩm mỹ, cùng với dây cao su gắn ở cuối chân đế sẽ giúp góc chiến game của bạn trở nên gọn gàng hơn nhiều đấy.

Mẫu màn hình cao cấp của Samsung trang bị tính năng Auto Source Switch+ tự động chuyển nguồn phát khi bạn cắm các thiết bị gaming như PlayStation 5 hay Nintendo Switch, rất tiện lợi nếu bạn là một gamer đa nền tảng chứ không chỉ dừng lại ở PC. Dù vậy, tính năng này lại không tự động chuyển về các nguồn đang bật nếu nguồn phát đang sử dụng bị tắt đi, đó là một khía cạnh mà Samsung có thể cải thiện ở Auto Source Switch+.

Menu On-screen Display (OSD) của Odyssey Neo G8 có thể được truy cập bởi hệ thống nút bấm ngay dưới logo Samsung, cá nhân mình không thích lắm, kể ra có phần mềm OSD riêng thì tốt vì mỗi khi cần điều chỉnh màn hình sẽ bị rung lắc khá nhiều. Tại đây, chúng ta có thể thiết lập từ những tính năng cơ bản như độ sáng, độ tương phản cho đến nâng cao như Adaptive Sync (Odyssey Neo G8 hỗ trợ cả hai công nghệ chống rách hình AMD FreeSync Premium Pro và Nvidia G-Sync), tâm ngắm ảo Virtual Aim Point, Local Dimming,…

Ngoài ra, Odyssey Neo G8 còn có một vài tính năng bổ trợ khác khá hay ho như Picture-in-Picture nếu bạn muốn vừa chơi game vừa chat Facebook hoặc xem hướng dẫn màn chơi qua Youtube ở góc màn hình, và Ultrawide Game View để bạn trải nghiệm chơi game hoặc xem phim ở tỷ lệ 21:9 với hai viền đen trên dưới. Một số game như Liên Minh Huyền Thoại khi chơi với chế độ Ultra Wide sẽ cho bạn nhiều thông tin bản đồ hơn để chiếm lợi thế, trong khi xem phim chuẩn điện ảnh 21:9 sẽ mang lại một góc nhìn mới mà đôi khi tỷ lệ 16:9 truyền thống không thể làm được.

Về trải nghiệm, đầu tiên sẽ cần phải nói đến độ cong 1000R. Đây là mức cong mà Samsung đã lựa chọn với các model Odyssey trước đây, có một số người nhận định nó hơi “gắt” và thích những độ cong mềm hơn như 1500R hoặc 1800R – những độ cong phổ biến ở thế giới màn hình gaming. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích cá nhân, và bản thân mình thì lại thích độ cong 1000R của Odyssey hơn, vì nó nhấn mạnh sự khác biệt giữa màn hình cong và màn hình phẳng, cũng như mang đến trải nghiệm khi sử dụng chìm đắm hơn.

Với đủ các công nghệ hiện đại hàng đầu, chất lượng hiển thị của Odyssey Neo G8 là “miễn chê”. Màu sắc chân thực, hình ảnh có độ nổi khối cao, màu đen rất sâu – bản chất công nghệ Mini-LED đèn nền vẫn cần đi qua một tấm LCD, không có điểm ảnh tự phát sáng như OLED, nhưng Odyssey Neo G8 vẫn sở hữu màu đen ấn tượng – nhờ công nghệ làm tối cục bộ, và dải tương phản rộng. Nội dung HDR, từ gaming đến phim ảnh, đều trở nên sống động với các vùng sáng tối được phân biệt rõ rệt.

“Phê” nhất khi chơi trên Odyssey Neo G8 chắc chắn sẽ là những game đua xe tiết tấu nhanh như Forza Horizon 4. Ngay cả khi không có vô-lăng, cảm giác vẫn giống như mình đang thực sự lái những chiếc siêu xe ấy vậy. Tăng tốc, drift khi vào cua, đến khi va vào những tảng đá bên vệ đường, tất cả đều rất chân thực. Tần số quét cao 240Hz cũng giảm thiểu tối đa tình trạng bóng mờ

“4K 240Hz”, cụm từ vừa khiến game thủ chảy nước miếng, vừa toát mồ hôi. Đơn giản vì để có thể đáp ứng được độ phân giải và tần số quét này, bạn cần sở hữu một hệ thống phải nói là “tối tân” - hai máy console đời mới nhất hiện nay là PlayStation 5 và Xbox Series X cũng chỉ hỗ trợ xuất hình tối đa 4K 120Hz mà thôi. Với PC, ít nhất là card đồ họa Nvidia RTX 3090 hoặc 3090Ti (RX 6900 XT với AMD) thì mới có thể tận dụng tối đa khả năng của Odyssey Neo G8.

Và trong sử dụng thực tế, với cấu hình AMD Ryzen 5 3600 và Nvidia RTX 3060, mình đã phải điều chỉnh kha khá thiết lập chất lượng hình ảnh để các tựa game “nhẹ cân” như Liên Minh Huyền Thoại có thể duy trì ở 4K 240 FPS. Còn với các tựa game như Forza Horizon 4 thì cấu hình của mình chỉ đạt đâu đó 100 FPS ở độ phân giải 4K mà thôi, nhưng trải nghiệm chơi vẫn rất mượt mà nhờ Nvidia G-Sync, không bị rách hình. So với cái màn hình 24 inch Full HD 60Hz mình đang dùng hàng ngày, chơi game trên Odyssey Neo G8 giống như đang đi bộ chuyển sang lái Lamborghini vậy.

Trải nghiệm làm việc trên Odyssey Neo G8 cũng không hề thua kém gaming. Kích thước màn hình 32 inch đủ rộng rãi để bạn đa nhiệm nhiều cửa sổ cùng một lúc, trong khi tần số quét 240Hz giúp các thao tác cuộn, vuốt khi lướt web hoặc làm việc với văn bản trở nên mượt mà. Bao phủ 100% không gian màu sRGB và 92% không gian màu DCI-P3 cùng DeltaE chỉ 2.26 ngay khi xuất xưởng giúp Odyssey G8 Neo còn có thể đáp ứng nhu cầu chỉnh sửa ảnh và video nếu người dùng có nhu cầu.

Odyssey Neo G8 có DeltaE là 2.26 ngay khi xuất xưởng

Tổng kết lại, Odyssey Neo G8 đã biến ước mơ của nhiều game thủ thành sự thật. Thiết thực hơn nhiều nếu so với Odyssey Neo G9, model Neo G8 hội tụ đủ những gì game thủ cần ở một màn hình gaming siêu hạng: độ phân giải 4K sắc nét, tần số quét cao 240Hz, màu đen sâu và dải tương phản rộng cho các nhu cầu gaming lẫn giải trí.

Rào cản lớn nhất của Odyssey Neo G8 là giá bán, khi bạn không chỉ phải bỏ ra 30 triệu đồng mua màn hình, mà còn phải sở hữu một hệ thống đủ mạnh để tận dụng tối đa khả năng của chiếc màn hình. Nhưng nếu có thể đáp ứng cả hai điều kiện đó, Odyssey Neo G8 sẽ không khiến bạn phải thất vọng đâu!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật