Một nét mi cong

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Anh ấy bỗ bã, chưa nói thì đã cười, cũng chẳng biết nấu cơm bếp củi là gì, con xin bái bai. Thủy đỏng đảnh nói với mẹ khi Cường vừa ra khỏi ngõ. Người mẹ lắc đầu. Con còn muốn như thế nào? Bà Vại lắc đầu.
Một nét mi cong
Minh họa: HIỀN NHÂN.

Cường là người thứ bao nhiêu, không biết nữa, được giới thiệu nhưng Thủy vẫn từ chối. Cường được một bà bạn của bà Vại giới thiệu.

Nghe nói là con một quan chức ở thị xã, nhà rất có điều kiện. Cường còn trẻ nhưng cũng đã sở hữu một doanh nghiệp nhỏ. 

Ông bà Vại tha thiết muốn con đồng ý đám môn đăng hộ đối này để ông bà khỏi mang tiếng với cả họ. Đành rằng Cường có đặc điểm đúng như lời Thủy nói. Đành rằng mắt chàng trai có hơi híp chút xíu, song ở cái thời buổi giá cả tăng chóng mặt, thời gian lao vun vút như thế này, cần người vung tay là có tiền, chứ cần gì người mắt mở to. Thế mà nịnh mãi cô con gái đỏng đảnh không ưng.

Họ hàng, bố mẹ Thủy nhiều lần chưng hửng. Có những chàng trai say Thủy như điếu đổ, điều kiện đàng hoàng, những tưởng cô gái sẽ ưng cái bụng ngay. Nào ngờ, người thì cô bảo lưng hơi dài một tí mà chân lại ngắn, người thì cô chê lưng hơi gù. 

Lại có anh chàng cô chê miệng rộng thế kia, chắc chỉ chăm ăn lười làm, của nả gia đình anh ta dù nhiều, nhưng nó cũng sẽ nhanh vơi đi khi anh ta chẳng có chí hướng làm ăn. Rồi thì anh kia cái miệng nhanh hơn cái nghĩ, lẻo mép… Đành rằng cô là đứa có nhan sắc, lông mi dài cong, da dẻ trắng, phốp pháp nhưng cũng đã gần ba mươi rồi. Không nhanh thì ế chứ đùa. Ngược lại với sự sốt ruột của bố mẹ, Thủy cứ bình chân như vại.

***

Nhà Thủy đầu làng, ngoài đồng màu, gia đình vẫn cấy hơn mẫu ruộng. Nhiều nhà bỏ cấy, cho con đi làm công ty, ông bà Vại vẫn quyết bám ruộng. Ai hỏi, ông bà bảo, trên ti vi người ta đã chẳng nói nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế đấy thôi. Thủy thích ruộng đồng, quanh năm vục mặt vào mùa màng. Cô giống bố mẹ mình, nghiện mùa màng và chỉ có đắm vào ruộng đồng mới thấy vui sướng, mới có thể hít thở. Như con cá chẳng thể xa nước. 

Trong khi trai gái làng í ới rủ nhau đi làm công ty khu công nghiệp thì Thủy thích ở nhà làm ra lúa gạo, rau quả. Vất vả không? Không. Nắng nôi nhọc xác không? Không. Yêu thích thì chả bao giờ nhọc. Bạn bè hỏi như thế, Thủy sẽ trả lời như thế. 

Có điều lạ là cô gái có làn da chẳng thể nào bắt nắng. Bàn tay bàn chân cứ vục vào bùn, gương mặt cứ bị ướp nỗi nhọc nhằn nhưng cô vẫn cứ trắng hồng ra. Trắng đẹp và khỏe chứ chẳng phải trắng do "cớm nắng". c‌ơ th‌ể vẫn nở nang, hấp dẫn, tỏa ra một sự cuốn hút khó diễn tả bằng lời.

Thế muốn người yêu như thế nào? Bạn bè hỏi Thủy, cô nhỏng nhảnh: Ừ thì phải biết ủ tương, cấy cày, che mưa che nắng cho mùa màng tươi tốt. Nói chung yêu đồng đất quê mình.

- Nhà mày vẫn còn thiếu mồ hôi à? - Các bạn cô vặc lại - đàn ông con trai xứ này đã quên ruộng đồng cả chục năm nay rồi.

- Vậy tao cứ đợi.

Lúc nghe thấy con gái nói thế, bà Vại chen vào:

- Tao với bố mày già, còn không cổ hủ bằng mày. Đồng ruộng là nhà mình thích thì làm, cứ lấy thằng chồng nó thương, làm gì cũng được, đừng bắt người ta phải theo mình. Ai cũng thấy đồng ruộng vất vả…

Cô làm nũng mẹ:

- Ai bảo bố mẹ truyền máu yêu đồng ruộng sang con. Giàu có thì ai cũng ham nhưng con chấp nhận đưa cái sự hợp nhau lên đầu. Con cần người hợp con.

Bà Vại không muốn gay gắt, căng thẳng nhưng mỗi lần nói mà con không nghe, bà thấy mệt hơn đi cuốc ruộng. Người hợp với nó ở đâu? Ở đâu để rước nó đi cho tôi nhờ? Ông bà lại nhìn nhau thở dài. Ông bà Vại sinh được bốn con, đứa con gái út của ông bà, là em của Thủy lấy chồng Hà Nội, cũng đã sinh hai con. Chỉ con Thủy cao số. Làm sao gỡ được quả bom nổ chậm này?

Một hôm lựa lúc vui, ông Vại gọi con lại, giọng nghiêm túc như nhiều lần trước ông đã nói:

- Con không còn trẻ nữa, đừng để mọi thứ nó trôi đi mất, hãy biết thương lấy bản thân, phân biệt được đúng sai.

- Vâng, con biết rồi ạ. Nhưng cũng phải chờ duyên chứ bố. Cứ cắm đầu cắm cổ cưới cho xong, làm sao đành. Rồi có khi lại vớ phải người bên ngoài thì tỏ ra nho nhã, giàu sang, nhưng bủn xỉn, tục tằn với vợ.

- Ừ, thì có những thứ phải phiên phiến lên. Chứ chờ đến già à!

Thủy lảng sang chuyện khác. Cô muốn chờ Nhật. Nhật là người có ý chí, quyết tâm, sau này có tiền đồ. Đấy, cứ nhìn mấy cô bạn cùng làng Thủy, ham giàu có, của nả nhưng rồi cứ dăm bữa nửa tháng lại đánh nhau xủng xoảng. Xong là ly hôn. Chán ơi là chán. Mà giới trẻ ngày nay ly hôn nhiều quá. 

Họ tìm hiểu nhau chớp nhoáng, cũng có thể phiên phiến, muốn gá tạm vào đời nhau rồi ra sao thì ra. Khi chung sống trong một ngôi nhà, điểm yếu, thói xấu của nhau mới lộ ra. Người ta lại chẳng đủ bao dung để chia sẻ, tha thứ. Thế là tan nát, đường ai nấy đi.

***

Nhật về, việc đầu tiên là hẹn gặp Thủy. Anh đưa cô lên con đê cong cong, chỉ cho cô cánh đồng quê hương và những ô ruộng còn nham nhở bỏ cỏ hoang. Đê hào phóng gió. Những ngọn gió phóng túng thổi mát rượi. Như thể đang cổ vũ cho một tình yêu đẹp. Một sự chờ đợi có ý nghĩa.

- Đất đai ở xứ mình tươi tốt, trồng cây gì xuống cũng xanh tốt bời bời. Thế mà nhiều ô thửa bị bỏ hoang. Nhìn lãng phí anh rất xót xa. Anh rất nể em, chịu bao nhiêu áp lực để vẫn được bám ruộng đồng.

- Người ta bảo em ngu ngốc, bảo thủ anh ạ. Bao nhiêu việc nhẹ nhàng, phù hợp, vẫn ra tiền thì chẳng làm, lại chọn ruộng đồng cho vất vả. Em chỉ nghĩ, ai cũng đi làm giàu hết thì ai làm ra lúa gạo.

- Chúng ta phải thay đổi cách nghĩ xổi làm xổi. Nhưng ngay cả làm ruộng cũng phải thay đổi tư duy, làm ăn lớn.

Bố mẹ Nhật vẫn giữ hơn một mẫu ruộng, đã dồn thành thửa lớn, dành để cấy lúa hai vụ mỗi năm. Mấy năm qua với sự quyết tâm, bố con Nhật đã đấu thầu thành công khu đồng Tròn và đang làm hồ sơ xin làm trang trại. Nhật dự tính sẽ làm mô hình vườn ao chuồng nhưng mé bên phải sẽ làm thêm rau công nghệ cao. Việc đào ao, tôn cao nền vườn cây ăn quả nhanh chóng hoàn tất, Nhật bố trí thêm vốn làm nhà lưới trồng hoa ly, trồng rau thủy canh. 

Anh bàn với Thủy, mùa đầu tiên làm rau thủy canh thắng lợi, hai người sẽ tổ chức đám cưới. Điều đó thắp vào lòng Thủy nhiều hy vọng sướng vui. Vợ chồng ông Vại cũng khấp khểnh mừng, đem chuyện này kể với nhiều người. Khổ nỗi, vì còn thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu Nhật thất bại. 

Trận mưa a-xít đã khiến rau thủy canh còi cọc, kém phát triển còn hoa ly thì bí đầu ra, phải bán đổ bán tháo ở chợ làng. Nhật nói với Thủy: “Hay là mình cứ cưới?”. Thủy can: “Anh cứ dành tâm huyết lo cho rau đi đã, chứ lúc này anh còn tâm trạng nào…”

Gia đình Thủy sốt ruột. Ông bà Vại định phải nói chuyện thẳng thắn với Nhật xem sự thể ra sao. Con gái ông đã chờ đợi Nhật lâu lắm rồi. Hôm đó ngày vui, lựa lúc Nhật sang đón con gái, ông Vại hỏi luôn Nhật: “Thế anh có định cưới con gái tôi không?”. Thủy can: “Kìa bố, để anh ấy làm trang trại xong đã”. 

Ông Vại lắc đầu: “Chúng mày cứ chờ có tiền, chờ thu được lợi nhuận thì chúng tao xuống lỗ!”. Nhật nhìn sang Thủy: “Hay là chúng ta cứ nghe theo lời bố em?”. Thủy lắc đầu, cười gượng: “Em chờ được anh”.

***

Rồi cũng đến ngày hai người làm đám cưới. Là Nhật không muốn làm gia đình Thủy phải chờ đợi lâu. Hai người cũng có tuổi rồi, không thể dềnh dàng thêm được nữa. Cưới xong, Thủy và Nhật tất bật lo ruộng đồng, làm trang trại, lúc nào cũng cây giống, con giống. Nắng nôi thất thường. Đó là điều chẳng có lợi cho cây cối mùa màng chút nào. 

Vật lộn với cả đống công việc, kém ăn, Thủy gầy đi trông thấy. Rồi cưới xong dăm ba tháng mà không thấy có chửa, người nhà, dân làng lại suy diễn. Nào thì mải mê làm, cứng tuổi, hay là tịt rồi? Nào là, nhìn thì óng ả đấy, thế mà mãi chẳng thấy con cái. 

dư luận lại được dịp quan tâm, thắc mắc, là con Thủy sướng chẳng biết đường. Cứ lấy đại gia đi, của nả nhiều, ăn tiêu cả đời không hết mà chẳng phải động tay động chân đến việc nặng. Đằng này lại chờ đợi cái anh cứ còng lưng ra với mưa nắng, làm lụng tất bật. Thế chẳng phải là phí đời con gái ư. Chuyện đến tai vợ chồng ông Vại. 

Ông Vại thở dài. Ờ phải. Nó là đứa con yêu quý xinh đẹp của ông. Sao nó phải chịu cảnh đầu tắt mặt tối như thế chứ. Nghĩ thế, ông sợ vợ lo lắng, sinh ốm nên cứ giữ điều phiền muộn đó trong lòng, không dám hé răng trách móc con gái. Thôi thì đó là cuộc sống của nó, nó chọn lựa và thấy vui vì điều đó thì cũng kệ chứ biết làm sao. Vợ chồng ông đâu có thể theo mà lo cho con suốt cuộc đời được.

Nhật, tuy có bận nhưng cũng đủ nhạy để nhận ra những lời xì xào về tổ ấm của mình. Nhiều lúc nhìn vợ từ xa, anh thấy vợ vất vả nhưng chẳng bao giờ tỏ ra chán nản, nhọc mệt. Trái lại luôn giữ nụ cười tươi rói, động viên chồng. Anh càng thương yêu Thủy hơn, một người đã dành cả thanh xuân để chờ và cưới anh. Thủy cũng đã dành cả thanh xuân cho đồng đất quê mình, không hề xao động khi bè bạn đã bỏ đồng đi làm công ty.

Vụ rau tiếp theo tuy sản phẩm rau làm ra đẹp, chất lượng nhưng đầu ra vẫn tắc. Kênh phân phối gặp trở ngại do nhiều chủ vườn cùng lúc bán ra thị trường, chào hàng giá cả rất cạnh tranh. Thủy gác lại chuyện có con để lo công việc. Nhưng Nhật bảo: “Công việc thì lo cả đời, chứ con cái lúc này là cần thiết, chúng ta nên có…”. Thủy gật đầu: “Nhưng mà em cũng muốn để một thời gian nữa, mình vượt qua giai đoạn này đã. Khi tâm trạng đang phải lo lắng thì chuyện con cái thật sự là chưa tốt được”.

***

Bây giờ thì vợ chồng Nhật đã có mọi thứ. Con cái, khu trang trại hỗn hợp tuyệt đẹp, có hơn mười người làm thuê, xe hơi, mối quan hệ và kênh phân phối sản phẩm. Trước đây người ta so sánh làm công ty lương tháng bình thường một người sáu triệu, bằng mấy người làm ruộng. Nhưng giờ chẳng người làm công ty nào dám so sánh thu nhập với vợ chồng Nhật-Thủy. 

Vợ chồng anh tạo công ăn việc làm cho nhiều người và giúp cho người dân có thêm những bữa ăn an toàn. Hai vợ chồng cũng có nguồn thu nhập đáng mơ ước. Đất đai đã lên tiếng, đáp lại công lao của hai người yêu quê. Đất quê càng lên giá thì trang trại của hai vợ chồng càng có giá. 

Khách nườm nượp về tham quan, học hỏi mô hình. Thủy đi làm bằng ô tô tự lái. Vẻ đẹp đằm thắm trở lại với người phụ nữ một con. Mấy cô nàng õng ẹo trong làng, trước đây dè bỉu Thủy, thì nay ngước nhìn. Có người gặp cô còn bĩu môi: “Con bé ý nó gặp may, chứ không thì…”

Thủy chẳng quan tâm điều đó. Cô cứ sống và làm việc cho mình, theo cách của mình. Hôm có mấy nhà báo về phỏng vấn, họ hỏi: “Điều gì làm chị hài lòng nhất cho đến lúc này?”. Thủy trả lời: “Vợ chồng tôi hài lòng là mình đã không bỏ hoang đất đai. Và đến nay, chúng tôi vẫn nấu cơm bằng bếp củi chứ không dùng bếp ga hay bếp điện. Có thể mọi người thấy chúng tôi khác người. Nhưng khác người cũng có cái hay đấy chứ!”.

Các nhà báo hài lòng với câu trả lời. Phía bên kia, khách ý ới hỏi mua dưa lưới. Nắng óng ánh vàng. Gió mơn man vui. Và gương mặt chủ vườn thật tươi hồng, với hai hàng mi cong tuyệt đẹp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật