Những tuyến cao tốc làm nên diện mạo mới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy năm trở lại đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm được khánh thành, đưa vào sử dụng, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng, miền trên cả nước.
Những tuyến cao tốc làm nên diện mạo mới
Thi công gói thầu XL11 thuộc cao tốc Mai Sơn - QL45.

Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chỉ tính riêng chiều dài đường cao tốc đã tăng thêm hơn 600km, trong khi cả chục năm trước chỉ xây dựng được khoảng 1.100km. Một số đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, việc đưa các tuyến cao tốc đi vào vận hành được ví như “mạch máu” góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, liên kết nhiều vùng kinh tế trọng điểm.

Đường cao tốc thu hút đầu tư mạnh mẽ

Chính thức thông xe từ 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã “kéo” Hà Nội về gần Quảng Ninh hơn bao giờ hết. Thời gian di chuyển từ Hà Nội về Móng Cái chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ thay vì 5-6 giờ như trước đây. Kể từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, tuyến cao tốc có khoảng trên 5.000 lượt xe qua lại. Cuối tuần này, lượt xe tăng lên khoảng 7.000 lượt xe. Đặc biệt, từ ngày 15/3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức mở cửa đón khách du lịch sau thời gian tạm dừng do dịch COVID-19 đã khiến thị trường du lịch Móng Cái càng thêm nhộn nhịp...

Từ đó đến nay, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Móng Cái luôn đạt 80-90% công suất phòng dịp cuối tuần. Đông đảo du khách từ khắp nơi, trong và ngoài tỉnh đã lựa chọn Móng Cái, đến thăm mũi Sa Vĩ - nơi địa đầu của cực Đông Bắc Việt Nam để tham quan, khám phá. Không ít người dân Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung phải nhìn nhận rằng, nhờ vào tuyến đường cao tốc cực kỳ hiện đại, địa phương này đã thêm phần khởi sắc.

Cũng nằm trên trục Bắc - Nam, đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 đi qua 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa được khơi thông vào dịp cuối tháng 4 vừa qua cũng có ý nghĩa huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế cả nước nói chung và kinh tế 2 địa phương này với các vùng trọng điểm khác.

Ông Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho hay, đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 mới hoàn thành một phần nhưng đã đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như Bỉm Sơn, Nam Sơn, Sao Vàng…, đồng thời cũng góp phần phát triển du lịch. Tại phía Nam, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào vận hành từ tháng 4/2023 lập tức chứng minh ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Dự án có chiều dài 99km, kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh với TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuống còn khoảng 2,5 giờ.

Ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phân tích, có thể nói với vị trí chiến lược, Đồng Nai không chỉ là cửa ngõ đi vào vùng Đông Nam Bộ mà còn là vị trí kết nối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Cùng với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường cao tốc huyết mạch, như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa -Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4... sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết được đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy được lợi thế, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc tạo lập một hệ thống cao tốc liên vùng, từ đó làm tiền đề khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả khu vực. Các tuyến cao tốc là nhân tố quan trọng thúc đẩy khai thác thế mạnh của tỉnh Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Không chỉ rút ngắn thời gian đi lại mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương nơi cao tốc đi qua khi các dự án, nhà máy, các khu công nghiệp hình thành; khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Đây cũng là những yếu tố chính tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, cũng như cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ nối liền một dải

Đã bước sang năm 2024, vậy là chỉ còn chưa đầy hai năm nữa, vào gần cuối năm 2025, một dải cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau dự kiến sẽ được nối liền. Để làm được điều này sẽ cần không ít sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ GTVT nói chung và các địa phương nói riêng.

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Ngay từ ban đầu, mục tiêu của dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là tuyến giao thông huyết mạch, tốc độ cao, an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Bộ GTVT cần phối hợp với các ngành, các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn vốn để đầu tư nhanh, hướng tuyến, bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và địa phương, kết nối thuận lợi với các khu công nghiệp, du lịch, cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, mạng lưới đường bộ hiện hữu…, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển không gian đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hạn chế tối đa tác động đến môi trường, văn hóa, đời sống cộng đồng dân cư. Việc đầu tư cao tốc cần lưu ý đánh giá kỹ để đầu tư xây dựng về quy mô làn xe, tuyến kết nối để đảm bảo hiệu quả kinh tế đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đảm bảo khai thác an toàn; tận dụng tối đa các công trình khi mở rộng theo quy mô và xem xét mức thu phí phù hợp.

Đối với địa phương cần rà soát, cập nhật các quy hoạch liên quan bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung mạng lưới đường bộ quốc gia và hướng tuyến đường cao tốc nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, cả về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị" với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…".

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã thông qua.

Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật