Kinh tế châu Á chờ cú hích từ Tết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nền kinh tế châu Á hiện đang kỳ vọng một cú hích đáng kể khi chi tiêu tiêu dùng của người dân gia tăng mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Kinh tế châu Á chờ cú hích từ Tết
Ảnh minh họa.

Cú hích lớn với nền kinh tế Trung Quốc

Hôm 26-1 Trung Quốc đã chính thức bước vào kỳ “Xuân vận” kéo dài 40 ngày, còn được coi là cuộc di cư lớn nhất thế giới. Xu hướng này sẽ kéo dài cho tới hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2, với lượng đặt chỗ tại các đại lý du lịch lớn đã vượt qua mức trước đại dịch.

Theo nền tảng Fliggy Travel, lượng đặt phòng khách sạn cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 đã tăng hơn 160% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, các chuyến du lịch theo nhóm tăng 34%. Còn theo Tong Cheng Travel, mức giá trung bình cho các chuyến bay nội địa cũng đã được đẩy lên mức cao nhất kể từ năm 2019.

Hãng hàng không Air China xác nhận trong tuần trước rằng họ đã sắp xếp gần 1.700 chuyến bay mỗi ngày trong thời gian Xuân Vận kéo dài 40 ngày để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người dân, hiện đã tăng 32% so với năm 2019.

Hoạt động chi tiêu mua sắm tại Trung Quốc hiện đang diễn ra khá sôi động, với nhiều sự kiện giảm giá, khuyến mãi được triển khai. Các sản phẩm có liên quan đến hình tượng Rồng – con giáp của Tết Nguyên đán năm nay đặc biệt được ưa chuộng.

Nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan đến Tết Nguyên đán cũng gia tăng đáng kể. Theo một cuộc khảo sát được Statista thực hiện tại Trung Quốc trong tháng 1, khoảng 30% số người được hỏi sẵn sàng chi từ 300-500 nhân dân tệ (khoảng 40-70 đô la Mỹ) cho các bữa ăn Tết Nguyên đán làm sẵn. Chỉ chưa đến 4% số người được khảo sát cho biết, không quan tâm đến việc chi hơn 100 nhân dân tệ (khoảng 14 đô la Mỹ) cho những sản phẩm như vậy trong thời gian lễ hội.

Người dân Trung Quốc giờ cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có thời gian thảnh thơi, thay vì tất bật với công việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Các số liệu từ sàn thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, 58.com cho thấy số lượng đặt dịch vụ dọn nhà trong ba tuần đầu tháng 1-2024 đã tăng 200% so với cùng kỳ tháng 12-2023, đạt mức cao nhất kể từ năm 2021.

Người dân Đông Nam Á tiếp tục mạnh tay chi tiêu

Hoạt động chi tiêu cũng được dự báo sẽ khá tích cực tại nhiều nước Đông Nam Á. Báo cáo khu vực của Milieu Insight cho thấy, 52% số người được hỏi cho biết tổng mức chi tiêu của họ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Xét cụ thể theo từng nước, tỷ lệ người tiêu dùng có xu hướng tăng chi tiêu trong dịp Tết tại Việt Nam và Thái Lan lần lượt là 65% và 54%, trong khi Malaysia và Singapore ghi nhận kết quả thấp hơn (48% và 39%).

Các sản phẩm phổ biến nhất người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ chi tiêu mua sắm dịp này là rau và trái cây (64%), đồ ăn nhẹ và bánh kẹo (56%), đồ uống không cồn (51%). Đối với các hoạt động vui chơi giải trí, những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Đông Nam Á là đi du lịch nội địa (48%), đến rạp chiếu phim (47%) và xem các dịch vụ phát trực tuyến (32%). Phần lớn cộng đồng người dân đón Tết Âm lịch tại các nước ASEAN dự định sẽ đón Tết ở trong nước. Tuy nhiên tại Singapore, khoảng 12% người tiêu dùng cho biết sẽ dành kỳ nghỉ Tết ở nước ngoài.

Food Central Retail (CFR), nhà điều hành chuỗi cửa hàng tạp hóa Tops tại Thái Lan dự báo, tổng chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán ở nước này sẽ tăng ít nhất 5-10% so với hồi năm ngoái.

Tăng trưởng doanh thu trong năm nay sẽ được thúc đẩy hơn nữa bởi mùa du lịch cao điểm, do kỳ nghỉ lễ này được coi là giai đoạn cao điểm cho các chuyến du lịch nước ngoài của người Trung Quốc. Việc có nhiều khách du lịch đến Thái Lan hơn, sẽ giúp kíc‌h thí‌ch tổng mức chi tiêu của ngành bán lẻ.

Các thương hiệu tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên chú ý hơn đến đối tượng nhân khẩu học chính ở các thị trường mà họ phục vụ. Ví dụ như tại Việt Nam, khảo sát của Grab cho thấy, nhóm khách hàng Gen Z là những người chi tiêu chính, nhiều hơn 14% so với thế hệ Millenials và nhiều hơn 11% so với người dùng ở độ tuổi từ 35 trở lên. Trong khi đó, tại Singapore, giá trị đơn hàng Grab trung bình của thế hệ Millenials lại cao hơn 6% so với người dùng Gen Z và cao hơn 11% so với người dùng từ 35 tuổi trở lên.

Những thách thức từ lạm phát

Bên cạnh những tác động tích cực, một số nền kinh tế châu Á cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ tỷ lệ lạm phát cao. Tại Singapore, các doanh nghiệp cho biết, nhiều người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn do giá cả đắt đỏ.

Fortune Court, một nhà hàng chuyên về ẩm thực Quảng Đông nằm ở trung tâm Khu Phố Tàu cho biết, mặc dù lượng khách đặt bàn đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hầu hết đều không lựa chọn các món đặc biệt theo mùa Tết Nguyên Đán của nhà hàng. Thay vào đó, khoảng 70% khách hàng quen của Fortune Court, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp đã lựa chọn thực đơn phù hợp với ngân sách. Nhu cầu của khách hàng đã buộc các đầu bếp phải sáng tạo và tìm kiếm những sản phẩm thay thế, chẳng hạn như sử dụng các loại cá rẻ tiền hơn thay cho vây cá mập và bào ngư.

Tại chuỗi nhà hàng Yun Nans, lượng đặt chỗ thậm chí đã giảm khoảng 30% trong vài tuần qua. Doanh số bán các suất ăn mang về dịp Tết Nguyên đán cũng giảm mạnh khoảng 50%.

Nhà bán lẻ hàng đầu Singapore Fairprice Group (FPG) cho biết sẽ thực hiện chương trình khuyến mãi đối với một số loại rau trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, công ty cũng tìm cách giữ giá các sản phẩm thủy sản, cung cấp phiếu mua hàng giảm giá để giúp giảm bớt căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình trong giai đoạn nhu cầu tăng cao.

Còn tại Hàn Quốc, chính phủ nước này dự kiến sẽ chi ra số tiền kỷ lục 84 tỉ won (tương đương 63,52 triệu đô la) để đẩy mạnh cung cấp phiếu giảm giá cho nhiều mặt hàng nông sản, vật nuôi và thủy sản.

Một quan chức chính phủ chia sẻ với hãng thông tấn Yonhap rằng: “Giá táo, lê và các mặt hàng khác vẫn ở mức cao trong bối cảnh sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu do điều kiện thời tiết và các vấn đề khác. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang đặt mục tiêu giữ đà tăng giá của mọi mặt hàng chỉ ở mức một con số và sẽ tăng cường giám sát với sự hợp tác của các tổ chức tư nhân”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật