Giới siêu giàu muốn trả... thêm thuế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm tỷ phú, triệu phú, trong đó có Bill Gates, đang muốn gửi thông điệp rõ ràng cho chính phủ các nước: ’Hãy đánh thuế chúng tôi nhiều hơn’. Đây là thái độ tích cực góp phần xây dựng quốc gia giàu mạnh hơn, cũng như xoa dịu tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.
Giới siêu giàu muốn trả... thêm thuế
Tỷ phú Bill Gates phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: VOX

Theo Oxfam, người giàu hầu như không phải trả thuế (thường là 3% hoặc ít hơn thu nhập của họ) và hàng tỷ USD của họ tiếp tục tăng lên thông qua việc áp dụng lãi suất kép. Trong 20 năm tới, phần lớn tài sản này sẽ được luân chuyển giữa các thành viên trong gia đình trong 1% những người giàu nhất. Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính khoảng 36.000 tỷ USD đến 70.000 tỷ USD tài sản sẽ được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những lời kêu gọi đánh thuế người giàu đang gia tăng trên toàn cầu và sẽ càng rõ ràng hơn khi quá trình chuyển giao tài sản thế hệ khổng lồ này diễn ra.

Thông tin trên được đưa ra sau khi tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho thấy tài sản của 5 người giàu nhất thế giới tăng đến 114% (869 tỷ USD) kể từ năm 2020 trong khi gần 5 tỷ người trên thế giới trở nên nghèo hơn, dẫn đến sự tranh cãi gay gắt về những thái cực đối lập này.

“Hãy đánh thuế chúng tôi”

Theo trang Business Insider, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), ông Bill Gates kêu gọi tăng thuế đối với những người giàu khi cho rằng các quốc gia giàu có nên quyên góp nhiều tiền hơn cho các nước đang phát triển, để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vốn đã đạt đến đỉnh điểm và cái giá mà nó gây ra đối với sự ổn định kinh tế, xã hội và sinh thái rất nghiêm trọng. “Dù là quốc gia, công ty hay cá nhân nào thì những người có nhiều tiền đều nên được khuyến khích hãy hào phóng hơn”, ông nói.

Điều đáng mừng là hơn 250 người thuộc giới siêu giàu khác cũng “đồng thanh tương ứng” khi đồng lòng ký bức thư ngỏ với tựa đề “Cái giá phải trả của sự giàu có tột độ” để kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đánh thuế tài sản của họ. “Yêu cầu của chúng tôi rất đơn giản: chúng tôi yêu cầu các vị hãy đánh thuế chúng tôi, những người giàu nhất trong xã hội”, bức thư nêu rõ. Bức thư này cũng tiết lộ việc đánh thuế tài sản của những người siêu giàu sẽ không sẽ không tước đoạt quyền lợi của con cái họ hoặc thay đổi cơ bản mức sống của họ.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của tình trạng bất bình đẳng kinh tế, bức thư kêu gọi các đại diện của các nền kinh tế hàng đầu thế giới thực hiện các bước đi cần thiết, kịp thời để giải quyết vấn đề này để tránh gây “thảm họa đối với xã hội”.

Đi cùng với bức thư nói trên là bản báo cáo khác được công bố như một phần của chiến dịch “Proud to pay more” (tạm dịch: Tự hào khi được trả nhiều tiền hơn). Đáng chú ý trong đó, bà Abigail Disney, cháu gái và nhà thừa kế của nhà sáng lập Walt Disney, thú nhận bản thân từng nhận thức sai khi bay một mình trên chiếc Boeing 737 trong các chuyến bay đi từ bang California đến New York (Mỹ). Theo bà, 1% những người giàu nhất thế giới đã “tiếp tay” gây biến đổi khí hậu khi dử dụng các máy bay phản lực tư nhân, siêu du thuyền, máy bay trực thăng, tên lửa không gian.

Lời kêu gọi đánh thêm thuế lên giới siêu giàu càng cấp bách hơn khi báo cáo gần đây của tạp chí The Nation ước tính, Bill Gates có thể đã nhận được nhiều tiền hơn dưới hình thức giảm thuế so với số tiền ông đã quyên góp từ thiện thông qua các hoạt động của Quỹ Gates. Một ví dụ khác liên quan đến MacKenzie Scott, một trong những nhà tài trợ từ thiện lớn nhất ở Mỹ. Theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, vào năm 2023, tài sản của bà tiếp tục tăng lên dù bà đã cho đi số tiền đáng kể.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Hiện dư luận đang đặt một số câu hỏi về mặt đạo đức khi trở thành tỷ phú và liệu việc sở hữu nhiều tài sản kếch xù như vậy có nên được chấp nhận trong một thế giới mà khoảng cách giàu nghèo đang có chiều hướng tăng.

Theo Fortune, ông Bill Gates, người có tài sản ròng hiện tại hơn 141 tỷ USD và đã hai lần đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới, ủng hộ ý tưởng người giàu phải đóng thuế nhiều hơn trong khi lên tiếng bảo vệ những gì khu vực tư nhân và động lực tài chính cá nhân có thể đóng góp nhanh chóng và đáng kể trong nỗ lực giúp thế giới giải quyết những thách thức hiện hữu.

Hiện tại, giá trị toàn cầu ước tính của hoạt động từ thiện là 2,3 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP thế giới, với phần lớn số tiền đó được giữ dưới dạng tài trợ. Con số này lớn hơn GDP hằng năm của các quốc gia như Canada và Brazil. Tuy nhiên, Bill Gates không nghĩ rằng hoạt động từ thiện sẽ là điều kiện đủ để giải quyết những mối đe dọa lớn nhất của thế giới bởi vì ông vẫn tin tưởng vào sức mạnh của thị trường tự do dưới sự hướng dẫn tốt từ chính phủ các nước trong việc giải quyết thách thức về kinh tế, biến đổi khí hậu...

Ông cho rằng: “Chỉ với hoạt động từ thiện thì không thể loại bỏ khí nhà kính. Chính sự vận hành hiệu quả của thị trường và chính phủ mới có thể đạt được tốc độ và quy mô giảm tác động của thực trạng này”.

Theo Oxfam, việc áp thuế lên tới 5% đối với các triệu phú và tỷ phú toàn cầu có thể thu về 1.700 tỷ USD/năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi đói nghèo và tài trợ kế hoạch toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật