Cần kiểm tra lại quy trình xả lũ của các thủy điện trên sông Ba

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai cho rằng, cần kiểm tra lại toàn bộ quy trình tích, xả nước của hệ thống thủy điện trên sông Ba. Việc tích, xả nước không đúng quy trình có thể khiến chồng lũ gây ngập nặng thiệt hại cho hàng nghìn hộ dân.
Cần kiểm tra lại quy trình xả lũ của các thủy điện trên sông Ba
Người dân tỉnh Gia Lai cũng bị ngập nặng do mưa lũ gây ra. Ảnh TA

Sông Ba là con sông lớn, bắt nguồn dòng chảy từ núi rừng Trường Sơn đi qua địa phận 3 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên với diện tích lưu vực 13.900 km². Dọc hệ thống sông này có nhiều thủy điện lớn như: thủy điện sông Ba Hạ, An Khê – Ka Nak, Đăk Srông 3B.  

Trong khi các tỉnh miền Trung cho rằng, các thủy điện Tây Nguyên xả lũ lớn khiến lượng nước đổ về làm người dân không kịp trở tay, thì cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, Kon Tum phủ nhận cho rằng, các thủy điện trên địa hạt quản lý xả lũ đúng quy trình, tổng lưu lượng xả ở mức độ thấp.

Chính quyền 2 tỉnh này lo ngại việc thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh (địa phận tỉnh Phú Yên) nằm ở hạ nguồn trước đó tích nước, đến khi mưa lớn nhiều ngày thì xả dồn cùng lúc rồi tự gây lũ.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) Gia Lai, đợt mưa vừa qua, hồ thủy điện An Khê xả với mức 350m3/s, hồ thủy điện Ka Nak xả 279m3/s, hồ chứa Ayun Hạ xả về hạ du hơn 60m3/s hôm 1.12. Việc xả lũ này ở mức độ thấp hơn so với mọi năm.

Riêng về hồ thủy điện Đăk Srông 3B, chiều 1.12 xả về hạ du sông Ba hơn 4.000m3/s. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, Đăk Srông 3B là thủy điện liền kề bậc trên của thủy điện Sông Ba Hạ , thủy điện này không nằm trong quy trình vận hành xả lũ của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, do sử dụng đập tràn tự do.

Do vậy, trước 4 giờ nước lũ qua tràn hoặc lưu lượng tăng thêm, chủ đập phải thực hiện thông báo nước lũ qua tràn hoặc lưu lượng tăng thêm cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Gia Lai, Phú Yên.

“Mức xả của thủy điện Đăk Srông 3B vừa phải, không lớn. Chủ các hồ thủy điện đã thông tin cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên. Có thể do thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ trước đó muốn tích nước đủ để phát điện, lo hụt nguồn nước. Đến khi mưa lớn liên tục đổ về, thủy điện xả dồn cùng lúc dẫn đến ngập sâu ở vùng hạ du”, ông Nghĩa đánh giá.  

Hơn nữa, việc thông báo lệnh xả lũ cho các địa phương ở hạ du và các thủy điện nằm ở bậc dưới là nhiệm vụ của các chủ hồ thực hiện lệnh xả lũ. Qua báo cáo, các chủ hồ đã chủ động báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên biết.  

Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho hay, tỉnh là địa phương có nhiều thủy điện, tuy nhiên các thủy điện này chủ yếu trên hệ thống sông Sê San, nhiều hệ thống sông chảy ngược qua hướng Campuchia, không đổ về hạ du ở miền Trung. Riêng thủy điện lớn nhất là Thượng Kon Tum, khi xả lũ sẽ đổ về hướng sông Đăk Lô, thuộc lưu vực sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi.

Thời gian đến, tỉnh Gia Lai, Kon Tum cũng sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương cấp tài khoản để cơ quan chức năng có thể vào xem thông tin vận hành các hồ thủy điện nhằm phục vụ cho công tác điều hành. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai triển khai số hóa việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành điều tiết xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du. 

Đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Gia Lai cũng thiệt hại nặng về nông nghiệp với hàng nghìn ha hoa màu, đất đai ngập chìm trong nước lũ. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu ổn định đời sống cho người dân sau khi lũ rút.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật