Được 7 nước giúp sức, dự án tàu ngầm của Đài Loan có thể hoàn thiện sớm hơn dự định

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lực lượng vũ trang Đài Loan dự kiến sẽ tiếp nhận mẫu tàu ngầm đầu tiên tự phát triển và chế tạo vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Được 7 nước giúp sức, dự án tàu ngầm của Đài Loan có thể hoàn thiện sớm hơn dự định
Mo hình tàu ngầm tự đóng của Đài Loan được trưng bày ở Kaohsiung (Ảnh: Reuters)

Tập đoàn Đóng tàu CSBC của Đài Loan đã tổ chức một buổi lễ “đặt sống thuyền” đối với chiếc tàu ngầm tự phát triển và chế tạo đầu tiên trong ngày 16/11. Trên thực tế, do tàu ngầm không có sống thuyền nên cụm từ trên được sử dụng để mô tả sự hoàn thành việc kết nối phần tháp tàu với thân tàu.

Một quan chức quốc phòng cho hay, buổi lễ này đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn quan trọng trong dự án đóng tàu trị giá 1,8 tỉ USD và “chúng tôi kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình chế tạo con tàu này”.

Vị quan chức giấu tên nói rằng giai đoạn chế tạo đầu tiên cũng bao gồm các cuộc thử nghiệm sức chịu áp lực. Ông thêm rằng, quan ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan đã khiến chính quyền hòn đảo này yêu cầu hãng đóng tàu đẩy nhanh tiến độ.

Lực lượng hải quân Đài Loan nói rằng, theo kế hoạch, họ sẽ đóng tổng cộng 8 – 12 tàu ngầm với mỗi đợt là 2 – 3 chiếc, chiếc sau hiện đại hơn chiếc trước. Những con tàu mới này sẽ gia nhập vào hạm đội gồm 4 tàu ngầm của Đài Loan – bao gồm 2 chiếc có từ thời Thế chiến II và được sử dụng chủ yếu để huấn luyện, 2 chiếc khác được chuyển từ Hà Lan tới Đài Loan trong khoảng những năm 1980.

CSBC đã giành được hợp đồng đóng tàu ngầm vào năm 2016, với nhiệm vụ thiết kế và chế tạo một nguyên mẫu mới, sau khi chính quyền Đài Bắc không thể tìm được một nhà cung cấp nước ngoài do sức ép và sự cản trở từ Bắc Kinh.

Theo kế hoạch, tàu ngầm mới sẽ được khởi động vào cuối năm 2024, sau đó vào biên chế trong năm 2025. Dự án này là một phần trong chiến lược chiến tranh không cân xứng của Đài Loan nhằm đối phó với Trung Quốc – nước đã liên tục gia tăng sức ép đối với hòn đảo này khi triển khai hàng loạt máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan, và tổ chức nhiều cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và cần phải được tái thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Bất chấp sự cản trở của Bắc Kinh, hải quân Đài Loan nói rằng Mỹ và châu Âu đã giúp đỡ họ chế tạo tàu ngầm. Mặc dù không nêu rõ quốc gia nào ở châu Âu, nhưng người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng từng xác nhận vào tháng 3 năm nay rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt xuất khẩu những công nghệ tàu ngầm cho họ. Những mặt hàng nằm trong gói này bao gồm các hệ thống chiến đấu tích hợp, hệ thống sonar kỹ thuật số, ngư lôi, ống phóng ngư lôi, động cơ di‌esel…theo CSBC.

Kết quả một cuộc điều tra của Reuters công bố mới đây chỉ ra rằng, một số công ty nước ngoài, được sự cho phép của chính phủ nước họ, đã hỗ trợ Đài Loan. “Đài Loan đang bí mật tích trữ công nghệ, bộ phận cấu thành và nhân tài từ ít nhất 7 quốc gia để chế tạo hạm đội tàu ngầm, để đối phó với Trung Quốc” – một thông tin mà Reuters đăng tải trong tuần này có đoạn.

Theo Reuters, các công ty đến từ Anh đã cung cấp sự hỗ trợ cho Đài Loan, trong khi một vị đại tá hải quân về hưu – được Reuters xác nhận là Ian McGhie – đã giúp một công ty có trụ sở ở Gibraltar thuê nhiều kỹ sư để chế tạo tàu ngầm. Anh cũng ký duyệt nhiều giấy phép xuất khẩu trong 3 năm qua để có thể chuyển các thiết bị, công nghệ và phần mềm cho Đài Loan, phục vụ cho dự án đóng tàu ngầm.

Đài Loan cũng thuê được nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và cựu sĩ quan hải quân đến từ ít nhất 5 quốc gia khác: Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada; theo Reuters.

Huang Shu-kuang, cựu tướng Đài Loan từng quản lý dự án tàu ngầm ở giai đoạn lên kế hoạch, trong tháng 7 vừa qua nói rằng hải quân đã ký một hợp đồng tư vấn với công ty Gavron Limited có trụ sở tại Gibraltar, từ đó giúp họ dàn xếp nhiều cuộc thảo luận với các hãng cung cấp vũ khí quốc tế.

Max Lo, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Công nghệ cao tại ĐH Tamkang ở Đài Loan, nói rằng sự đóng góp của 7 quốc gia không nhất thiết được xem là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với Bắc Kinh, như một số chính trị gia ở Đài Loan từng nói.

Hàn Quốc mới đây đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đang giúp đỡ Đài Loan trong dự án đóng tàu ngầm này, nói rằng có thể một số cá nhân đã giúp hòn đảo này, chứ không phải chính phủ.

Phản ứng với báo cáo của Reuters, Bắc Kinh nói rằng chính quyền Đài Loan đang cấu kết cùng với “những thế lực bên ngoài”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng những nước có liên quan nên ngừng ngay sự dính líu của họ đến dự án đóng tàu ngầm và “ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan, ngừng hỗ trợ các lực lượng ly khai độc lập Đài Loan”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật