TP HCM đạt tỷ lệ 2,3 nhân viên y tế cơ sở trên 10.000 dân

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP HCM đạt 2,3 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế; tỷ lệ này cả nước là 7,4, Hà Nội 6.
TP HCM đạt tỷ lệ 2,3 nhân viên y tế cơ sở trên 10.000 dân
Ông Hồ Văn Thái (phải), 47 tuổi, bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, khám ở Trạm Y tế phường 27 được bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định tư vấn trực tuyến hồi cuối năm 2020. Ảnh: Thư Anh

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế chiều 11/11 cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, các trạm y tế xã, phường, thị trấn hoàn thành khá tốt chương trình y tế cộng đồng như tiêm chủng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đại dịch xảy ra, F0 tăng nhiều, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém khi không đáp ứng được quản lý, điều trị.

Đây không phải lần đầu tiên ông Châu nói đến vấn đề này. Tiếp xúc trực tuyến 140 cử tri ngành y tế của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sáng 9/10, ông Châu nói: "Hệ thống y tế cộng đồng từ trung tâm kiểm soát bệnh tật đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã, còn nhiều yếu kém về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị".

Hiện thành phố có 310 trạm y tế cố định. Căn cứ theo thông tư về biên chế tối thiểu cho trạm y tế (tham khảo quy định) thì nhân sự thực tế không đủ chỉ tiêu. Cụ thể, 52 trạm được phân bổ từ 5 nhân sự trở xuống; 173 trạm có 6-8 nhân sự; 64 trạm có 9-10 nhân sự.

"Tình hình thực tế TP HCM khác với các tỉnh. Mỗi trạm cần ít nhất 10 người, với quy mô trung bình mỗi phường xã có 30.000 dân", bác sĩ Châu chia sẻ.

Ngày 10/11, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng làm việc về công tác y tế cơ sở, cũng cho biết khoảng 50% trạm y tế chưa có trưởng, phó trạm do thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Lý do là trước đây các trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã trực thuộc UBND quận, huyện. Tiêu chí bổ nhiệm trưởng trạm do quận, huyện quyết định. Khi các trung tâm và trạm y tế sáp nhập về Sở Y tế quản lý, theo các tiêu chí của ngành, nhiều người không đủ điều kiện làm trưởng trạm.

Theo bác sĩ Châu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trạm y tế thiếu người, như liên quan đến chính sách, nhân viên y tế không thích về trạm phường xã, do hệ thống y tế tư nhân tại TP HCM đang phát triển mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã giao Sở Y tế xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Trước mắt là tạm thời đưa trạm y tế lưu động do các bác sĩ, điều dưỡng từ các bệnh viện quận, huyện, cơ sở y tế về tăng cường thêm cho trạm cố định để chăm sóc F0, khi F0 đang tăng trở lại. Vài tháng tới, thành phố sẽ điều chuyển các bác sĩ mới ra trường, từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường cho trạm y tế cơ sở.

Liên quan đến kế hoạch điều chuyển, ngày 8/11, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TP HCM, đề xuất đưa 750 bác sĩ đa khoa, cử nhân điều dưỡng tốt nghiệp năm 2021 tham gia thực hành khám, chữa bệnh tại 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và 310 trạm y tế phường, xã. Thời gian thực hành là 12 tháng đối với bác sĩ và 9 tháng đối với điều dưỡng. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (kéo dài 18 tháng đối với bác sĩ, 9 tháng đối với điều dưỡng).

Về biện pháp căn cơ, Sở Y tế đã đề xuất với HĐND thành phố, Quốc hội nhằm thay đổi một loạt chính sách để thu hút thêm nhân sự về phục vụ trạm y tế. Đó không chỉ là lương, thu nhập mà còn chính sách để họ phát triển nghề nghiệp trong thời gian dài, đảm bảo nhân viên trạm y tế có cơ hội học để trở thành tiến sĩ, giáo sư, hay lên ngạch thành bác sĩ chính.

"Đây là vấn đề lớn, cần thực hiện để nâng cao năng lực, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh mới nổi trong tương lai", bác sĩ Châu nói.

TP HCM đã nhiều lần thay đổi chiến lược điều trị F0, trước đây F0 bắt buộc cách ly tập trung. Từ tháng 7/2021, khi số ca nhiễm tăng cao, thành phố thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Hiện, số F0 giảm, đã được tiêm vaccine, không triệu chứng hoặc nhẹ được quản lý, chăm sóc tại nhà bởi các trạm y tế cơ sở. Ngoài trạm cố định, tùy số lượng F0 mà mỗi địa phương triển khai số lượng trạm y tế lưu động, trung bình mỗi trạm quản lý 50-100 F0.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật