Quay lại Sài Gòn mưu sinh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày vừa qua, khi dịch Covid-19 ở TP.HCM dần được kiểm soát, những người trẻ đã bắt đầu quay lại Sài Gòn mưu sinh.
Quay lại Sài Gòn mưu sinh
những người trẻ đã bắt đầu quay lại Sài Gòn mưu sinh

Thành phố này dễ sống…

Nguyễn Hữu Thiện (34 tuổi), quê ở H.Phú Tân, Cà Mau nói như vậy. Thiện là công nhân một xưởng may tư nhân trên đường số 8 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM). Kể từ tháng 5, xưởng may tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Thiện cũng bị mắc kẹt lại. “Gồng gánh cả 4 tháng trời ròng rã. Tiền tiết kiệm cũng không còn, thậm chí mượn bạn bè người thân để sống đỡ qua ngày nhưng cuối cùng không thể trụ được. Bí bách quá nên đầu tháng 10, tôi đã quyết định về lại quê, với ý định tìm kiếm cơ hội mưu sinh lập nghiệp tại quê nhà”, Thiện nói.

Nhưng giờ đây, Thiện đang làm việc ở xưởng may cũ. “Tôi lên đây lại vì quả thật chẳng đâu bằng Sài Gòn. Thành phố này dễ sống, dễ có cơ hội kiếm tiền. Trừ lý do khách quan vì dịch bệnh, thì có bao thứ nghề để kiếm sống. Trước đây, bình thường tôi may từ 8 giờ đến 16 giờ 30. Tối tôi có thể chạy xe ôm công nghệ tới 0 giờ hôm sau để kiếm thêm. Còn về quê, chỉ có thể bám lấy những vuông cá vuông tôm, mà thu nhập thất thường. Đó là lý do khiến tôi quay lại đây làm việc”, Thiện tâm sự.

Người lao động từ các tỉnh miền Tây qua chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A để trở lại TP.HCM làm việc

Không những Thiện, khoảng một tuần qua, dòng người chạy xe máy từ các tỉnh miền Tây như: An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre... trở lại TP.HCM khá đông đúc. Đa phần là những người trẻ quyết định lên lại thành phố kiếm kế sinh nhai.

“Cũng từng nản, chủ yếu là do dịch Covid-19, sợ dịch không được kiểm soát, nên tôi đã về quê. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, về quê mất thời gian kiếm công việc mới, chưa kể đồng lương cũng chưa chắc bằng trên thành phố này. Nên khi thấy TP.HCM đã dần kiểm soát được dịch bệnh, tôi và nhóm 8 đứa bạn đều xã An Thủy đã cùng nhau lên lại”, Trần Ánh (36 tuổi, quê ở H.Ba Tri, Bến Tre) kể.

Gắn bó với cuộc sống ở Sài Gòn suốt 8 năm qua, nhưng rồi khi dịch giã ảnh hưởng nặng nề, Lê Phi Khoa (31 tuổi, cùng nhóm bạn với Ánh) đã cuốn gói về quê. Khoa có ý định sẽ đi biển mưu sinh. Khoa nói: “Nhưng rồi mình đã suy nghĩ lại. Thấy bản thân chỉ phù hợp với công việc của một công nhân da giày, nên mình trở lại thành phố làm việc”. Khoa đang tìm chỗ trọ mới để tiếp tục cuộc đời ở thành phố này.

Nhiều người trẻ ở các tỉnh miền Trung, từng là công nhân ở TP.HCM, cũng đang rục rịch chuẩn bị hành trình quay trở lại nơi mà họ gắn bó suốt vài năm, thậm chí chục năm qua, để làm việc.

“Hiện tại, mình còn ở quê. Nhưng với tình hình dịch đã đỡ hơn rất nhiều, mình tin chỉ vài ngày nữa sẽ được vô lại Sài Gòn”, Nguyễn Phương Hảo (28 tuổi, quê ở H.Phú Cát, Bình Định) cho biết.

Những ước mơ

Trò chuyện với các công nhân đang có mặt ở TP.HCM cũng như nhiều người đang sắp sửa trở lại thành phố đông dân nhất này, mới được nghe về những ước mơ đơn giản.

Tôi chỉ mong dịch không còn hoành hành nữa, cuộc sống trở lại bình thường, để tôi được đi làm kiếm tiền vừa lo cho bản thân, vừa phụ giúp gia đình ở quê. Mong mỏi ấy đã bị gián đoạn gần nửa năm qua, tôi mong không bị gián đoạn thêm nữa.

HUỲNH ANH VỸ (quê ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang, đang làm việc ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh)

“Tôi chỉ mong dịch không còn hoành hành nữa, cuộc sống trở lại bình thường, để tôi được đi làm kiếm tiền vừa lo cho bản thân, vừa phụ giúp gia đình ở quê. Mong mỏi ấy đã bị gián đoạn gần nửa năm qua, tôi mong không bị gián đoạn thêm nữa”, Huỳnh Anh Vỹ (25 tuổi, quê ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang, đang làm việc ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) nói.

Còn Nguyễn Đại Dương (33 tuổi, quê ở H.Krông Pa, Gia Lai) là công nhân Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, cho biết những ngày dịch đã “càn quét” cuộc sống của vợ chồng anh. “Giờ hy vọng dịch được chặn đứng để tập trung làm việc, tích cóp trang trải cuộc sống và trả nợ đã mượn suốt thời gian dịch bùng vừa qua”, Dương nói.

Trong khi đó, có nhiều người cho biết trong những tháng cuối năm, sẽ cố gắng và nỗ lực tối đa để làm việc. Tận dụng thời gian để tăng ca, hoặc làm thêm công việc phụ, nhằm kiếm lại tiền đã thâm hụt trong nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch giã.

“Chỉ mong làm có tiền, để tết này có thịt”, chị Huỳnh Thị Xuân Thảo (34 tuổi, ở H.Châu Thành, Sóc Trăng) đang là công nhân công ty thủy hải sản trên đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, chia sẻ ngắn gọn.

Và có một mong mỏi chung mà những người trẻ quay lại Sài Gòn mưu sinh tâm sự, đó là mong tất cả mọi người cùng đồng lòng, cùng đoàn kết thực hiện tốt những biện pháp phòng, chống dịch để dịch Covid-19 một đi không trở lại. Và khi đó, những dây chuyền sản xuất ở những xí nghiệp, nhà máy, công ty không bị tạm ngưng hoạt động, cuộc sống công nhân không bị ảnh hưởng thêm lần nào nữa...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật