Vũng Tàu tìm đường ra cho siêu dự án đất vàng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin trung ương hỗ trợ, quyết phương án xử lý vướng mắc dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise.
Vũng Tàu tìm đường ra cho siêu dự án đất vàng
Một góc dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise. Ảnh: HUY PHONG

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT báo cáo, xin ý kiến về phương án xử lý vướng mắc dự án khu du lịch (KDL) Vũng Tàu Paradise.

Dự án này có diện tích 220 ha, tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. Đây là khu đất công có diện tích lớn và nằm ở vị trí đắc địa nhất TP Vũng Tàu hiện nay. Đây cũng là dự án đình đám, bị vướng mắc đã lâu vẫn chưa có đường ra.

Dự án đã hết hạn năm năm

Dự án KDL Vũng Tàu Paradise đã hết hạn từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise cũng đã hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư. Công ty không đăng ký lại hoạt động theo quy định.

Theo lý giải của tỉnh, dự án có tổng diện tích đất được giao là 220 ha song nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140 ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80 ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả, không sử dụng trong thời gian dài. Điều này vi phạm quy định Pháp Luật về đất đai.

Hơn nữa, trong quá trình xây dựng, hai bên công ty liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh. Bên đối tác nước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn theo quy định, không thống nhất về việc đăng ký lại doanh nghiệp và điều chỉnh thời hạn hoạt động của liên doanh.

Đến thời điểm gần hết thời hạn hoạt động (năm 2016 theo giấy phép đầu tư), hai bên liên doanh cũng chưa thống nhất để có quyết định chung về việc tiếp tục thực hiện dự án. Chưa kể, các bên trong liên doanh còn đơn phương có văn bản kiến nghị được cơ cấu lại doanh nghiệp (huy động các nhà đầu tư khác) nhằm chứng minh năng lực xin thực hiện dự án thêm 50 năm.

Tỉnh BR-VT từng đưa ra phương án đấu giá khu đất, đặt tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc, ràng buộc với nhà đầu tư cũ là Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise chưa được xử lý dứt điểm nên phương án đấu giá đất không thể triển khai.

Vụ việc vượt thẩm quyền của tỉnh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh BR-VT lần VII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua xác định đây là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, tránh khiếu kiện và chấp hành đúng Pháp Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tỉnh mong muốn sớm giải quyết các vướng mắc theo quy định Pháp Luật để đưa khu đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, không để phát sinh thêm nợ đọng tài chính.

Trước đó, cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 3-3-2021 đã kết luận về hướng xử lý dự án trên. Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng thể, chặt chẽ các yếu tố tác động về lịch sử, ngoại giao, đóng góp của nhà đầu tư… hầu hết ý kiến ủng hộ phương án gia hạn thời hạn thực hiện dự án và thời hạn sử dụng đất (phương án gia hạn) cho nhà đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh BR-VT khẩn trương nghiên cứu, xem xét đề xuất phương án xử lý cụ thể gửi về Bộ KH&ĐT. Sau đó, Bộ KH&ĐT nghiên cứu báo cáo của tỉnh, rà soát tổng thể lựa chọn phương án phù hợp nhất, đồng thời nêu rõ trình tự thủ tục cần thiết để triển khai báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị tỉnh lựa chọn phương án cụ thể, gửi về bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp tỉnh lựa chọn phương án gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn sử dụng đất thì đề nghị làm việc với nhà đầu tư và yêu cầu ràng buộc một số nội dung.

Trong đó, tỉnh cần yêu cầu trong thời hạn một năm kể từ ngày được phép gia hạn, nhà đầu tư phải góp đủ vốn điều lệ và có kế hoạch triển khai dự án, khởi công các hạng mục công trình theo tiến độ, đồng thời ký quỹ để thực hiện dự án theo quy định của Pháp Luật.

Trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ các điều kiện, không góp đủ vốn, không triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động của dự án và thu đất theo quy định của Pháp Luật. Nhà đầu tư sẽ không được hoàn lại tiền ký quỹ và không được khiếu kiện.

Trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn thực hiện dự án, các bên liên doanh phải xác định loại hình doanh nghiệp và tỉ lệ góp vốn trong liên doanh. Trong đó lưu ý việc xác định giá trị vốn góp của bên Việt Nam đảm bảo phù hợp quy định Pháp Luật, không gây thất thoát tài sản nhà nước.

Qua nghiên cứu, tỉnh BR-VT thống nhất với đánh giá của các bộ, ngành về ưu điểm, hạn chế của các phương án. Tuy nhiên, tỉnh nhìn nhận các vướng mắc của dự án nằm ngoài khả năng, thẩm quyền quyết định của tỉnh. Việc đề xuất phương án xử lý cụ thể cũng vượt thẩm quyền của tỉnh. Do đó, tỉnh kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và quy định liên quan trình cấp có thẩm quyền quyết định phương án, hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định Pháp Luật.

 Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise là công ty liên doanh giữa phía Việt Nam là Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan). Công ty được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư năm 1991, tổng vốn 97,2 triệu USD, thời hạn dự án là 25 năm. Vốn điều lệ 61,8 triệu USD, trong đó bên Việt Nam góp hơn 15 triệu USD bằng quyền sử dụng 220 ha đất.

Mục tiêu của dự án là xây dựng và kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch cao cấp với nhiều tiện ích như khách sạn chuẩn quốc tế, khu thể thao dưới nước, công viên giải trí… Tuy nhiên, sau 25 năm triển khai hoạt động, KDL Vũng Tàu Paradise chưa đạt được mục tiêu như dự án đặt ra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật