Làm giàu trên vùng đất bãi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vùng đất bãi ven sông Đuống thuộc thôn Trại Than, xã Cao Đức (Gia Bình) trước kia hầu hết là diện tích đun đốt lò gạch thủ công, giờ đây tất cả được chuyển đổi thành các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ ha mỗi năm. Một trong những người tiên phong làm đổi thay vùng đất phục hóa này là vợ chồng ông Trần Văn Hải, Vũ Thị Thuận.
Làm giàu trên vùng đất bãi
Một góc mô hình trang trại tổng hợp của ông Trần Văn Hải.

Ông Hải tâm sự: “Quê tôi vốn chỉ độc canh cây lúa, không có ngành nghề phụ, cái nghèo cứ đeo bám. Tôi từng làm đủ nghề nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng khấm khá, rồi tự nhủ phải bám trụ đất quê. Sau khi tỉnh có quyết định cấm không cho các lò gạch thủ công hoạt động, địa phương khuyến khích các hộ, nhóm hộ đấu thầu và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với vốn tự có, tôi vay thêm 800 triệu đồng vốn ngân hàng đấu thầu 12 ha (thời gian 20 năm) đất bãi ven sông, là diện tích đun đốt gạch thủ công trước đây của xã, gia đình quy hoạch 8 ha xây dựng trang trại VAC tổng hợp, còn lại 4 ha cho người dân Hải Dương thuê lại để trồng màu”.


Ban đầu gia đình ông Hải chỉ tập trung trồng chuối và ngô, sau 2 năm nhận thấy hiệu quả cây trồng này không cao, chuyển đổi sang nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Nói là làm, trên diện tích đã quy hoạch, ông dành  hơn 4ha trồng các loại cây ăn quả và rau màu như: Thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cà rốt, dưa hấu, dưa lê… 3 ha nuôi thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi 10 con trâu nái, 60 con trâu thương phẩm.


Với ông Hải nuôi trâu, cấy lúa, trồng màu thì đã quá quen thuộc nhưng trồng thanh long ruột đỏ (cây trồng mới ở vùng đất này), bưởi da xanh là điều không đơn giản. Bởi vậy, ông lặn lội đến các cơ sở  trồng thanh long ở Ninh Thuận, Quảng Nam... tìm mua giống và học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh. Ngoài ra ông tích cực tham gia các lớp tập huấn của địa phương, từ đó áp dụng vào thực tế. Đáp lại nỗi vất vả, sau bao năm dày công cải tạo, san lấp mặt bằng, kéo đường điện, xây lắp hệ thống cung cấp nước tưới, đến nay gia đình ông thu mùa quả ngọt. Trung bình mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cá, 50 tấn cà rốt.  Riêng thanh long ruột đỏ năng suất đạt khoảng 20-25 tạ/sào/năm, giá bán khoảng 15.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi sào thanh long thu về khoảng 40-50 triệu đồng. Hết vụ này, ông Hải chuyển sang trồng cà rốt đông, quỹ đất không ngừng nghỉ vụ nọ gối vụ kia, màu xanh trù phú cứ thay nhau đơm hoa kết trái. Trang trại trừ chi phí cho thu lãi 700-800 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.


Thời gian tới, ông Hải tiếp tục duy trì trồng các cây màu có giá trị kinh tế cao; trồng thêm 2.000 cây thanh long ruột đỏ và tăng đàn trâu lên 100 con.  Ông chia sẻ: “Để làm một nhà nông giỏi không dễ, cần phải biết tổng hoà mọi kinh nghiệm trong thực tế, đi nhiều, tìm hiểu và ứng dụng ngay tại trang trại của mình là bí quyết giúp tôi thành công trong mô hình kinh tế VAC tổng hợp”


Nhờ có kinh nghiệm sản xuất, vốn đầu tư, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và khát vọng làm giàu, ông Hải phủ lên vùng đất phục hóa màu xanh trù phú, tốt tươi. Đây là hướng đi mới phù hợp với vùng đất bãi và là động lực để nhiều hộ, nhóm hộ ở các xã ven đê trên địa bàn tỉnh cải tạo, quy hoạch thành vùng chuyên canh cây, con đặc sản và rau màu hàng hóa học tập và làm theo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật