Đắk Lắk nỗ lực vượt khó trong năm học mới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của Covid-19 nhiều địa phương ở Đắk Lắk đã tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình và giao bài tận nhà.
Đắk Lắk nỗ lực vượt khó trong năm học mới
Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) hướng dẫn bài tại nhà cho học sinh. (ảnh  Tuấn Anh)

Là một trong những giáo viên giảng dạy ở điểm trường cách xa trung tâm xã và thiếu thốn các điều kiện học tập, cô Lê Thị Hải Đường, giáo lớp 1, trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu năm học mới, giáo viên đã “gõ cửa” từng nhà học sinh để khảo sát điều kiện học trực tuyến, hướng dẫn cách học trên điện thoại di động.

Kết quả cho thấy, cả lớp 33 học sinh chỉ 14 em có thiết bị học tập trực tuyến. Thêm nữa, gia đình các em  thuộc vùng xa nên sóng điện thoại và đường truyền internet đều không ổn định. Điều này khiến cô giáo Lê Thị Hải Đường phải thay đổi cách dạy cho phù hợp. “ Khối 1 rất bỡ ngỡ, tôi đã đi gõ cửa từng nhà vận động các em kết nối internet và đã kết nối  được 14 em, còn một nửa số học sinh lại học bằng hình thức giao bài, chúng tôi đã cố gắng hết sức hướng dẫn các em tiếp thu kiến thức đó xong về nhà các em thực hành, sau đó chúng tôi lại có 1 hình thức khác là kiểm tra lại và giao bài mới tuần tiếp theo”- cô Hải Đường nói.

Còn tại trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư M’gar, 80% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhiều gia đình còn khó khăn. Qua khảo sát, chỉ 30% số học sinh đáp ứng được điều kiện học trực tuyến. Để dạy học hiệu quả, nhà trường đã vận động sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh. Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư M’gar cho biết: “Học tập ở nhà như này phụ huynh có vai trò rất quan trọng. Đôi khi còn quan trọng hơn cả giáo viên nữa nên sự tương tác giữa giáo viên và phụ huynh có vai trò rất lớn trong việc học tập của các em, nên cô thường xuyên gọi điện hỏi thăm, chia sẻ nếu có gì phụ huynh không hiểu thì gọi điện chia sẻ với cô”.

Đối với nhiều phụ huynh, việc dạy và học trực tuyến đang trở thành vấn đề nan giải khi diễn ra trong hoàn cảnh thiếu thốn các điều kiện cần thiết. Chị H Brắc Ayun, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar cho biết, gia đình chị thuộc diện khó khăn, không kết nối internet. Để 2 con theo kịp chương trình học, anh chị đã gửi cháu lớp 7 sang nhà bạn cùng lớp để “học nhờ”, còn cháu lớp 2 học theo hình thức giao bài tại nhà. Bố mẹ cũng cố gắng hết sức kèm cặp thêm, nhất là đối với cháu học lớp 2.

Theo khảo sát của Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk, tỷ lệ học sinh có điều kiện học trực tuyến ở bậc Trung học phổ thông đạt: 92%; Trung học cơ sở là: 62%; bậc tiểu học chỉ đạt hơn 31%. Do đó, bên cạnh hình thức học trực tuyến nhiều trường học ở Đắk Lắk đã phải lựa chọn thêm các hình thức bổ trợ mới có thể bao quát và đáp ứng được chương trình học trong điều kiện hiện nay. Mỗi giáo viên ở Đắk Lắk, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang chủ động, linh hoạt và cố gắng gấp nhiều lần để duy trì ổn định việc dạy và học, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm học mới

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật