Chiến lược mới của Ủy ban châu Âu: Gọi tên Trung Quốc và Biển Đông

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung tuần tháng 9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo chung “Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. So với bản Kết luận về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng châu Âu hồi tháng 4/2021, văn bản mới vẫn thể hiện cách tiếp cận nhất quán của EU với khu vực nhưng có phương hướng triển khai cụ thể hơn.
Chiến lược mới của Ủy ban châu Âu: Gọi tên Trung Quốc và Biển Đông
Ủy ban châu Âu

Cụ thể và cứng rắn hơn

Văn bản mới ra của EC trực tiếp nhắc đến Trung Quốc cả về hợp tác và cạnh tranh: “điểm mặt” Trung Quốc quân sự hóa trên thực địa và gây căng thẳng; nhiều lần nhắc đến Đài Loan, Biển Đông và Hoa Đông. Bên cạnh đó, Văn bản mới nhấn mạnh hợp tác song phương với Trung Quốc về kinh tế, môi trường và an ninh biển…, đồng thời đi kèm tuyên bố báo chí với một mục riêng khẳng định chiến lược của EU không nhằm đối chọi với Trung Quốc. Có thể thấy, các thành viên của EC đã đạt được đồng thuận lớn hơn về cách tiếp cận hợp tác – cạnh tranh với Trung Quốc.

Hồi tháng 4 bản Kết luận của Hội đồng châu Âu không hề nhắc tên Trung Quốc trực tiếp mà chỉ đề cập Thỏa thuận Đầu tư với Trung Quốc. Tuy nhiên, văn bản có thể “ám chỉ” Trung Quốc vì đề cập nhiều về cạnh tranh chiến lược khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô, tuân thủ luật quốc tế, bảo vệ nhân quyền hay cạnh tranh thương mại công bằng… những vấn đề phương Tây thường dùng để chỉ trích Trung Quốc.

Tạo báo cáo lần này, Biển Đông được nhắc đến 3 lần, Hoa Đông được đề cập 1 lần và Đài Loan được đề cập 5 lần. EC còn khẳng định Biển Đông là một trong các tuyến đường biển có “vai trò trọng yếu” với EU và trực tiếp ủng hộ một COC không phương hại lợi ích của bên thứ ba. Có thể, các diễn biến thực địa đã khiến các thành viên quan ngại sâu sắc hơn về các thách thức trên biển này.

Trong khi đó, tại bản kết luận hồi tháng 4, Biển Đông, Hoa Đông và Đài Loan không được đề cập. Lý do có thể vì các thành viên chưa đạt được đồng thuận về Biển Đông hoặc chưa quan tâm nhiều đến vấn đề Biển Đông- điều dễ hiểu vì nhiều nước thành viên EU có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc và tham gia vào sáng kiến Vành đai – Con đường của nước này. Trước đó, EU đã từng không đạt được đồng thuận về Biển Đông vì khác biệt lợi ích tương tự giữa các thành viên.

Một điểm khác biệt về an ninh biển nữa là, văn bản tháng 4 nhắc đến hiện diện hải quân nhưng không nhắc tới tập trận hay diễn tập nào cụ thể, nhấn mạnh đóng góp “tự nguyện” của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, văn bản mới khẳng định rõ ràng EU sẽ tiến hành nhiều tập trận chung hơn và điều tàu đến cập cảng nhiều hơn tại khu vực để bảo vệ tự do hàng hải – quan điểm khá gần với các tuyên bố của Mỹ tại khu vực.

Khác biệt này đáng chú ý bởi EU không có quân đội riêng. Tuy nhiên, EU vẫn có thể triển khai phương hướng này thông qua quân đội của các nước thành viên. Bản thân một số nước “đầu tàu” EU đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình với nội dung này: Pháp cam kết tăng cường tập trận song - đa phương có Pháp tham gia và tự do đi lại tại Biển Đông; Đức cam kết tham gia tập trận chung và các “hình thức đa dạng” để hiện diện hải quân tại khu vực…

EU đã thống nhất hơn trong hành động

Văn bản chiến lược mới của EC, tiếp nối văn bản tháng 4/2021 và Nghị quyết mới ra của Nghị viện châu Âu về quan hệ EU – Trung Quốc, tiếp tục thể hiện tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với EU thời đại hậu Brexit. Đây là khu vực EU có lợi ích kinh tế (EU và Ấn – Thái chiếm hơn 70% tổng thương mại toàn cầu, EU là nhà đầu tư lớn nhất Ấn – Thái) nhưng có nhiều thách thức về cạnh tranh địa chiến lược, thương mại và giá trị, ảnh hưởng đến trật tự dựa trên luật lệ có lợi cho EU.

Chiến hạm Australia, Mỹ và Nhật Bản diễn tập tại biển Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: US Navy

Chiến lược cũng cho thấy hai thay đổi trong cách tiếp cận với khu vực. Nếu như trước đây, EU dựa trên những hoạt động rời rạc, ít phối hợp của một số nước (lớn) trong tổ chức thì hiện giờ, EU nhấn mạnh phối hợp chung giữa các thành viên và với các đối tác. Ngoài ra, nếu như trước đây EU chủ yếu thúc đẩy hiện diện kinh tế và chính trị tại khu vực thì hiện giờ, EU đã san sẻ nguồn lực sang lĩnh vực an ninh, nhất là an ninh biển và an ninh phi truyền thống.

Như vậy, bản Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EC có nhiều nội dung cụ thể hơn so với văn bản trước đó của EU hồi tháng 4/2021, đặc biệt là về các sáng kiến hợp tác và vấn đề an ninh biển. Hy vọng, văn bản sẽ là tiền để củng cố quan hệ khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về ưu tiên, văn bản mới đưa ra 7 vấn đề cụ thể thay vì các mục tiêu và phương hướng chung chung như văn bản cũ, cụ thể là: (i) phát triển bền vững và bao trùm; (ii) chuyển đổi xanh; (iii) quản trị biển; (iv) quản trị số; (v) kết nối; (vi) an ninh quốc phòng và (vii) an ninh con người. Các vấn đề này cũng cho thấy EU quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh biển và an ninh phi truyền thống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật