Hiệu quả nuôi ghép cá, tôm, cua

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng nay (23.9), tại hội thảo đánh giá kết quả triển khai mô hình nuôi ghép cua xanh với tôm sú và cá dìa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành tổ chức, ngành chức năng đánh giá những thành công đạt được và đề xuất nhân rộng.
Hiệu quả nuôi ghép cá, tôm, cua
Ông Trần Hạ với các loại thủy sản nuôi vừa thu hoạch. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Thành quả bước đầu

Mô hình được triển khai ở 3 hộ Trần Hạ, Võ Hồng Hải, Phạm Hùng (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành). Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí cua giống, 50% chi phí thức ăn, chế phẩm sinh học cho cua còn các đối tượng nuôi khác, nông hộ tự xoay xở.

Xem Video: Nuôi cá cùng Khởi nghiệp thành triệu phú

//

Ông Trần Hạ cho biết, vào tháng 4.2021, sau khi cải tạo kỹ ao nuôi với diện tích 3.000m2, ông thả nuôi 1 vạn con giống tôm sú, sau đó 30 ngày, ông tiếp tục thả nuôi 1.000 con cua và 450 con cá dìa. Đến nay, ông Hạ thu hoạch được 300 con cá dìa đạt trọng lượng 4 con/kg, 300 con cua đạt trọng lượng 3 con/kg và 4.000 con tôm sú đạt trọng lượng 40 con/kg. Tổng giá trị thủy sản nuôi bán được là gần 80 triệu đồng, lãi gần 40 triệu đồng.

“Trước đây ở vùng triều, tôi chỉ chuyên chú nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng thất bát vì môi trường nước ô nhiễm. Nhận thấy nuôi ghép ở nhiều nơi đạt hiệu quả nên tôi tham gia mô hình, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên các loại thủy sản sinh trưởng, phát triển khá tốt, hiệu quả kinh tế mang lại là khá cao” - ông Hạ nói.

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành đề xuất nhân rộng mô hình nuôi ghép cá, cua, tôm. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Bà Dương Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành đánh giá, qua 6 tháng thực hiện mô hình, tính chung, tỷ lệ sống của tôm sú là 35%, trọng lượng đạt 40 con/kg, sản lượng đạt 800kg. Cá dìa có tỷ lệ sống trung bình 50%, trọng lượng đạt 300g/con, sản lượng đạt 500kg. Còn tỷ lệ sống của cua xanh là 40%, trọng lượng đạt 330g/con, sản lượng đạt 1.300kg. Tổng doanh thu của mô hình là hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng, tính bình quân, mỗi hộ lãi 33 triệu đồng.

Bà Anh cho rằng, hiệu quả là có nhưng mô hình tồn tại nhiều hạn chế. Nguồn giống tôm sú có chất lượng cao không nhiều trên thị trường để nông hộ lựa chọn đưa vào nuôi. Thời tiết thời gian qua diễn biến bất lợi, nắng nóng kéo dài làm cho môi trường ao nuôi và nước sông luôn biến động, mực nước trong ao xuống thấp, ảnh hưởng đến tôm nên tỷ lệ sống còn thấp, năng suất còn hạn chế. Số lượng tôm còn lại trong ao không nhiều nên xảy ra tình trạng cá dành ăn thức ăn của tôm, tăng lượng thức ăn, tăng chi phí. 

Nhân rộng mô hình

Nuôi ghép cua xanh với tôm sú, cá dìa là mô hình mới theo hướng an toàn dịch bệnh và môi trường, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản, tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn. Việc tiêu thụ cá, cua, tôm thương phẩm tương đối thuận lợi bởi được thị trường ưa chuộng và đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng đến kết quả sản xuất của người nông dân.

Đề xuất nhân rộng mô hình, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho rằng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh quan tâm tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thực hiện các mô hình nuôi ghép, gồm cua, tôm và các loại cá khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Núi Thành có diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ khá lớn với 1.500ha mặt nước.

Những năm trở lại đây, do diện tích nuôi tôm ở vùng triều bị ô nhiễm, xảy ra dịch bệnh, hàng trăm héc ta bỏ trống. Để có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước vùng triều, hạn chế dịch bệnh xảy ra thì những đối tượng có khả năng thích nghi rộng như cá, cua, tôm sú cần được đưa vào nuôi luân canh, xen canh.

“Chúng tôi cũng đề xuất UBND huyện Núi Thành bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình nuôi ghép, nuôi xen canh thủy sản nước lợ vùng triều trong thời gian đến” - bà Anh cho biết thêm.

Sẽ rất thiết thực khi nhân rộng mô hình nuôi ghép cá, tôm, cua trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Bà Nguyễn Thị Đồng - Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) khẳng định, sẽ nhân rộng mô hình nuôi ghép, nuôi xen canh các loại cá chẽm, cá măng, cá dìa với tôm sú, cua trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Mục đích không chỉ là tăng thu nhập cho nông hộ mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới nghề nuôi thủy sản vùng triều ổn định và bền vững.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nông hộ, có kế hoạch cụ thể để nhân rộng mô hình này. Bà con nông dân cần mạnh dạn đầu tư nuôi luân canh, xen canh, nuôi ghép các đối tượng thủy sản nuôi mới để tạo sản phẩm đa dạng, có chất lượng, giá trị. Ngành chức năng sẽ tiếp tục định hướng và gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người nuôi thủy sản ổn định đầu ra sản phẩm” - bà Đồng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật