Nghệ thuật xăm cổ xưa của Nhật hút hồn phương Tây

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với thợ xăm Horimitsu, âm thanh kim di trên da nghe thật êm tai, nhịp nhàng, tựa như tiếng dế kêu.
Nghệ thuật xăm cổ xưa của Nhật hút hồn phương Tây
Các thành viên yakuza Nhật Bản khoe hình xăm tại một lễ hội ở Tokyo. Ảnh: Anadolu Agency.

Xem Video: Tattoo Gheisha Xăm Hình Nghệ Thuật Hải Phòng

//

Horimitsu đã làm nghề xăm thủ công suốt 30 năm qua ở Ikebukuro, Tokyo, không cần gì ngoài một cây gậy có đầu gắn kim. Dưới đôi tay của ông, các vị thần và quái vật hiện lên sống động trên lưng những chủ ngân hàng hay thành viên ban nhạc, những con cá Koi uốn lượn uyển chuyển trên bắp chân người.

Trong cửa hàng của Horimitsu, lính cứu hỏa Kyle Seeley, 23 tuổi, nằm im lặng trong khi nghệ nhân tỉ mỉ, chậm rãi xăm hình một con rồng xanh lên cánh tay anh. Khi hoàn thành, hình xăm của Seeley sẽ kéo dài từ vai tới cổ tay với hình ảnh con rồng ẩn mình giữa những bông hoa mẫu đơn, loài hoa tượng trưng cho sự may mắn và quý phái.

Seeley đã vượt hàng nghìn km để tới gặp Horimitsu. Ở quê nhà anh, thành phố Grande Prairie, Canada, có rất nhiều thợ xăm, nhưng họ không có thứ mà anh đang tìm kiếm: Nghệ thuật xăm bằng tay truyền thống tebori của Nhật.

Ở phương Tây, niềm đam mê từ lâu với phong cách xăm này giờ đây trở thành một xu hướng. "Tôi được biết rằng màu sắc khi xăm tebori lưu lâu hơn và trông sống động hơn", Seeley nói. Trên ngực và sườn của anh cũng đang có những hình xăm bằng máy. "Để hoàn thành hình xăm, tôi sẽ phải mất vài nghìn USD. Nhưng tôi đã tiết kiệm vì nó".

Horimitsu có gần 63.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram, gồm cả những ngôi sao quốc tế, như ca sĩ Mỹ John Mayer. Sự quan tâm từ nước ngoài bây giờ là nguồn sống huyết mạch cho tebori bởi người dân Nhật Bản hiện không còn quá mặn mà với loại hình nghệ thuật cổ xưa này. Giới trẻ Nhật thường thích thú những hình xăm khối hình học theo phong cách phương Tây, chú trọng vào chi tiết sắc nét.

Các nghệ nhân tebori thường kiểm soát phần lớn quá trình sáng tạo và một số người chỉ xăm những hình họ chọn. Seeley hoàn toàn cảm thấy ổn với điều đó. Anh đến gặp nghệ nhân Horimitsu mà không biết con rồng mới của mình sẽ có màu sắc ra sao. "Đây là phong cách nghệ thuật của ngài Mitsu và bất kỳ điều gì ông ấy cho là tốt nhất, tôi đều đồng ý", Seeley cười nói.

Seeley không tỏ ra đau đớn khi cây gậy với một hàng kim ở đầu đẩy màu xuống phía dưới lớp da của anh. Cách mỗi 10 giây, Horimitsu lại quay sang bên, nhúng dụng cụ vào mực. Trông có vẻ đau nhưng những người mê xăm nói rằng tebori nhẹ nhàng hơn so với xăm bằng máy.

Rất nhiều người đam mê xăm trên thế giới biết đến Horimitsu thông qua Mike Derbyshire, người điều hành trang web Pacific Tattoo Co giúp kết nối những khách hàng nói tiếng Anh với các nghệ nhân Nhật Bản. Thực tế, 60 - 70% khách của Horimitsu đến từ bên ngoài nước Nhật và những nghệ nhân tebori khác cũng vậy.

"Chúng tôi có khách đến từ Đức, từ Anh, từ Mỹ... Không ít người là quân nhân trong các căn cứ Mỹ", Mike cho biết song thêm rằng "công việc kinh doanh của các thợ xăm Nhật Bản thời gian qua không tốt, phần vì họ không thể giải quyết vấn đề giao tiếp".

Quan trọng hơn, vấn đề nằm ở việc họ đang mất dần đi cơ sở khách hàng. Sau Thế chiến II, nghệ thuật xăm Nhật Bản bị ràng buộc chặt chẽ với các băng đảng xã hội đen yakuza. Suốt hàng thập kỷ, tội phạm xăm mình để chứng minh sự gan lỳ, phô trương sự giàu có và tự phân biệt mình với những yakuza khác.

Horimitsu học kỹ thuật xăm từ một "gia đình" xăm hình Nhật Bản, nơi những người học việc trẻ phải làm phụ tá cho các bậc thầy trong nhiều năm ở một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt trước khi thành nghề.

Chỉ cách đây 10 năm, hầu hết khách hàng của Horimitsu là yakuza. "Công việc đôi khi khá B.L, đáng sợ", ông nói.

Thợ xăm Horimitsu tại cửa hàng ở Tokyo. Ảnh: BBC.

Chính phủ Nhật Bản đang thẳng tay trấn áp các băng đảng và những chiến dịch quăng lưới của cảnh sát đã thu hẹp số thành viên yakuza từ 184.000 vào đầu những năm 1960 xuống còn 30.500. Những thành viên yakuza còn tồn tại phải tìm cách che giấu thân phận, vì thế họ không thể mang những dấu hiệu nhận dạng lớn như hình xăm.

"Một số người trẻ vẫn gia nhập yakuza nhưng đó là thế hệ mới, thông minh hơn trước rất nhiều", Horimitsu cho hay. "Họ không xăm mình. Công việc làm ăn của họ vô cùng phức tạp".

Đáng buồn cho những người hâm mộ xăm, thái độ của xã hội Nhật Bản không bắt kịp một thực tế là yakuza ngày nay không còn muốn xăm mình.

Về luật pháp, từ năm 2001, Bộ Y tế Nhật quy định xăm là một thủ thuật y tế, đồng nghĩa các thợ xăm không có bằng cấp về y khoa bỗng chốc bị quy kết là hoạt động bất hợp pháp.

Người có hình xăm bị cấm sử dụng phòng gym, bể bơi hay nhà tắm nước nóng công cộng. Việc để lộ hình xăm còn tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng triển vọng nghề nghiệp của bạn trong các ngành nghề như giáo dục hay tài chính.

Seeley, một chàng trai phương Tây với vẻ ngoài không có chút gì của Nhật Bản, cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. "Thậm chí tại khách sạn của tôi, họ còn đề biển ’Không hình xăm’ tại bể bơi", anh kể. "Tôi không nói tiếng Nhật, nhưng tôi vẫn để ý thấy lúc đi tàu điện ngầm, tôi mặc áo phông và mọi người nhìn chằm chằm vào cánh tay tôi".

Đối mặt với khó khăn ở quê hương nhưng lại được tiếp đón như ngôi sao ở nước ngoài, nhiều thợ xăm tebori tìm đường xuất ngoại.

Thợ xăm Kensho II hiện sống ở Amsterdam, Hà Lan. Anh cho biết khách hàng của mình đánh giá rất cao kỹ thuật xăm bằng tay và họ sẵn sàng bỏ ra 70 tiếng cho một hình xăm kín lưng, thậm chí lâu hơn, phụ thuộc vào loại da, kích thước c‌ơ th‌ể và thiết kế.

"Rồng là yêu cầu phổ biến nhất", Kensho II nói. "Tôi thích xăm hình rồng, chưa bao giờ thấy chán. Rồng Nhật Bản có vô số giai thoại và ý nghĩa".

Dù đã rời Nhật Bản, Kensho II vẫn giữ nguyên các truyền thống của nghệ thuật tebori. "Tôi tự tay làm tất cả dụng cụ tebori của mình. Tôi tin vào một trong những giáo lý của Thần đạo, ’musushi’, có nghĩa là mọi vật do con người làm ra đều có linh hồn. Dụng cụ tebori là một phần c‌ơ th‌ể và linh hồn tôi. Vì thế, tôi không bao giờ bán dụng cụ của mình", anh chia sẻ.

Khi nói về những người thầy, Horimitsu và Kensho II luôn dành cho họ một sự ngưỡng vọng. "Lúc tôi bắt đầu học việc, tôi luôn chăm chú quan sát kỹ thuật của thầy, nghiên cứu các câu chuyện và ý nghĩa trong từng hình xăm từ những cuốn sách cổ. Tôi vẽ rất nhiều. Tôi chỉ ngủ hai đến ba tiếng mỗi ngày suốt 3 đến 4 năm bởi tôi phải học rất nhiều thứ", Kensho II kể. "Luật của chúng tôi là ’không hỏi, không nói không, không nêu ý kiến cá nhân, luôn tuân lệnh thầy. Khiêm nhường, học tập chăm chỉ. Tôn trọng những văn hóa khác’. Thầy không bao giờ giải thích, bạn phải tự hiểu thông qua sự thay đổi nét mặt và giọng nói của ông. Nếu không, bạn sẽ bị trừng phạt bởi người học việc tiền bối".

Horimitsu cho biết ông bắt đầu học tebori từ năm 20 tuổi sau khi tới thăm nhà thầy vài lần, mang theo một món quà có ý nghĩa biểu tượng và được thầy xăm cho.

"Tôi mang theo hai chai sake. Hai là phong cách truyền thống Nhật Bản. Hai sợi dây nhỏ tạo thành một sợi dây thừng. Nó có nghĩa tôi muốn kết nối với bạn", ông giải thích. Quá trình tập luyện của Horimitsu cuối cùng kéo dài tới hơn một thập kỷ.

Một số người dự đoán thái độ bảo thủ của Nhật Bản đối với hình xăm sẽ giảm bớt khi có hàng nghìn người nước ngoài xăm mình tới tham dự Olympic Tokyo 2020.

Là một người nước ngoài học tập ở Nhật Bản, Mike Derbyshire cho rằng khả năng định kiến xã hội với hình xăm đột ngột thay đổi là rất hiếm hoi. "Nếu có thì cũng là những người trẻ làm quen với các hình xăm phương Tây và văn hóa đại chúng phương Tây. Chúng sẽ diễn ra dần dần".

"Hãy tới Harajuku và quan sát những biển quảng cáo thời trang, hình ảnh những người phương Tây với hình xăm xuất hiện dày đặc ở khắp nơi", Derbyshire nói. "Tôi nghĩ sự thay đổi đang diễn ra. Khởi đầu của sự thay đổi đang diễn ra. Câu hỏi là liệu chính phủ có kiềm chế nó quyết liệt hay không?".

Kensho II xăm cho một khách hàng ở Amsterdam. Ảnh: BBC.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật