Người góp phần tạo ra vaccine Covid: Từng trải qua đầy rẫy thất bại

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là người tìm ra công nghệ quan trọng được áp dụng trong điều chế vaccine ngừa Covid-19 nhưng ít ai ngờ rằng bà Katalin Karikó cũng từng thất bại rất nhiều.
Người góp phần tạo ra vaccine Covid: Từng trải qua đầy rẫy thất bại
Bà Karikó trong phòng thí nghiệm khi còn trẻ. (Ảnh: CNN)

Đối với dịch Covid-19 hiện tại, vaccine đang được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để đối phó. Và nhắc đến vaccine thì không thể không nhắc đến bà Katalin Karikó, người phụ nữ tìm ra được công nghệ mRNA, góp phần tạo ra những loại vaccine ngừa Covid-19 tiên tiến nhất trên thế giới.

Theo New York Times, bà Karikó (sinh năm 1955 tại Hungary) không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học hay có tri thức. Tuổi thơ của bà gắn liền với sự nghèo khó nhưng bù lại luôn tràn ngập tình yêu thương.

Song có lẽ chính gia cảnh thiếu thốn cùng với sự thôi thúc từ người cha đã đem đến cho bà động lực cố gắng trong con đường học vấn, đặc biệt là với bộ môn sinh học. Liên tiếp giành được các giải thưởng, học bổng danh giá sau nhiều năm miệt mài đèn sách, Karikó được nhận vào làm tại trung tâm nghiên cứu sinh học của Học viện Khoa học Hungary ở Szeged. Và đây cũng là lúc bà bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi về mRNA.

Thời điểm những năm 1980, hiểu biết về mRNA còn rất hạn chế. Tuy nhiên Karikó đã sớm nhận ra chức năng đặc biệt của RNA và tin rằng nó sẽ có tác động rất lớn đến thế giới trong tương lai.

Con đường nghiên cứu khoa học của Karikó lại gặp không ít trở ngại do Hungary không thể tài trợ được khoản kinh phí lớn. Chưa kể ở tuổi 30, khi trong tay còn chưa có thành tựu khoa học nào, bà Karikó lại bị sa thải và không thể xin được việc làm sau đó.


Karikó cùng chồng và con trai bên cạnh chiếc ô tô đã bán đi để lấy tiền sang Mỹ. (Ảnh: New York Times)

Karikó quyết định bán đi chiếc ô tô cũ để làm lệ phí cùng chồng và 2 con rời Hungary đến Mỹ. Tại đây, bà được nhận vào làm việc tại Đại học Temple. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, nhóm của Karikó lại bị giải tán vì không có nguồn tiền tài trợ.

Đến năm 1989, dù đã trở thành giáo sư chính thức tại Đại học Pennsylvania nhưng bà lại không hề được trọng dụng và lương vô cùng thấp. Sau đó 6 năm, mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Karikó lại bị cho thôi việc vì không nhận được tài trợ và không tìm nổi dự án.

Tin xấu liên tục dồn dập đến khi bà biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Chồng vì vấn đề visa không thể đến Mỹ, Karikó phải 1 mình nuôi con trong căn phòng nhỏ dột nát.

Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc với công trình nghiên cứu mRNA đã theo đuổi từ lâu. Trong khó khăn, bà dồn mọi tâm huyết để phát triển dự án khoa học này khi mà tất cả mọi người đều từ chối nó.


Bà Karikó hiện tại đang là Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech. (Ảnh: Telegraph)

Mãi đến năm 1998, Karikó mới nhận được khoản tài trợ đầu tiên trị giá 100.000 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng theo tỉ giá hiện tại). Và vào năm 2005, mRNA phiên bản module suy yếu ra đời.

Sau khi đọc công trình nghiên cứu, Derrick Rossi, một chuyên gia tế bào gốc Canada đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford cũng đã quyết định đầu tư. Ông thành lập một công ty bé nhỏ, lấy tên là Moderna.

Tại Đức, một nhóm nghiên cứu mới cũng phát hiện ra tiềm năng của Karikó. Và rồi công ty BioNTech được thành lập, lấy trụ sở tại Mỹ.

Song 2 công ty này vẫn bị cho là non trẻ và chưa làm được gì nhiều cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát. Moderna đã thúc đẩy công việc sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA của Karikó. Ông lớn Pfizer (Mỹ) lúc này mới thức thời, quyết định đầu tư hàng tỉ USD để sản xuất vaccine Covid-19 theo công nghệ này.


2 loại vaccine của Pfizer và Moderna đang làm rất tốt trong việc phòng Covid-19. (Ảnh: CNN)

Hiện, hai loại vaccine ngừa Covid-19 là Moderna và Pfizer-BioNTech đều đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Và phải nói rằng công nghệ mRNA thực sự đã đem lại cuộc cách mạng cho nền y tế thế giới.

Quan trọng hơn, mRNA sẽ không chỉ dừng lại công cuộc sản xuất vaccine, mà trong tương lai không xa, chúng còn góp phần tìm ra "chìa khoá" để xóa sổ hàng loạt dịch bệnh, thậm chí là xử lí cả bệnh hiểm nghèo lẫn đột quỵ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật