Doanh nghiệp bảo trì được “cởi trói” sau gần 10 năm cổ phần hóa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau gần 10 năm thực hiện chủ trương cổ phần hóa, doanh nghiệp (DN) bảo trì đường bộ được “cởi trói” và có sự thay đổi toàn diện về quản trị.
Doanh nghiệp bảo trì được “cởi trói” sau gần 10 năm cổ phần hóa
Công ty CP Tư vấn và xây dựng công trình Bắc Nam ứng dụng công nghệ mới trong sửa chữa tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên

Thu nhập người lao động tăng, đỡ vất vả

25 năm gắn bó với nghề sửa chữa đường, chị Ngô Thị Hải, Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 nhớ như in những năm tháng vất vả với nghề. Bất kể mưa, nắng vẫn luôn phải bám đường để bảo đảm giao thông thông suốt.

“Cả hai vợ chồng cùng là công nhân, thu nhập chỉ vài ba triệu đồng/tháng. Ở thời điểm công ty thực hiện theo phương thức đặt hàng, có tháng nợ lương, nhu yếu phẩm thiết yếu của gia đình phải đi mua chịu. Từ ngày đổi mới, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty hiệu quả hơn hẳn, mức lương cũng tăng gấp 3 lần”, chị Hải chia sẻ.

Bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công, đang có bước chuyển mạnh mẽ. Việc cung ứng dịch vụ công ích về bảo trì đường bộ đã được xã hội hóa đấu thầu cạnh tranh công khai. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo trì quốc lộ đã thay đổi cơ bản. Đây là nội dung căn bản về đổi mới quản lý bảo trì đường bộ và đã được Ngân hàng Thế giới khuyến khích áp dụng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Anh Dương Văn Hương, Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 470 (Nghệ An) có thâm niên 15 năm làm tuần đường tâm sự: “So sánh có phần khập khiễng nhưng sau khi cổ phần hóa (CPH), thu nhập của công nhân như chúng tôi tốt lên rất nhiều”.

Chị Hải, anh Dương chỉ là 2 trong số hàng nghìn công nhân đường bộ được hưởng lợi sau gần 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ. Theo đánh giá, sau CPH, hầu hết các DN bảo trì đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Doanh nghiệp được “cởi trói”

Là DN cổ phần 100%, ông Lại Huy Xuân, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 cho hay, khi còn là DN Nhà nước, công tác bảo trì thực hiện theo phương thức đặt hàng không phát huy được tính năng động, sáng tạo. Doanh nghiệp bị bó buộc bởi cơ chế khi muốn đầu tư máy móc, thiết bị, phụ thuộc vào chu cấp của Nhà nước.

Theo ông Xuân, khi CPH, tính tự chủ trong kinh doanh được phát huy, bộ máy tổ chức kiện toàn theo hướng tinh gọn, DN tự quyết định mua sắm thiết bị, mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh. Khi chuyển từ hình thức đặt hàng sang đấu thầu công khai, buộc DN phải đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ.

“Đặt hàng giao việc nên DN thường có tư tưởng công việc bảo trì đương nhiên là của mình, không ai vào làm được nên thường làm không bài bản. Tuy nhiên, sau khi CPH và đấu thầu công khai, suy nghĩ này phải thay đổi, làm chuyên nghiệp hơn, đảm bảo chất lượng công trình, giảm thiểu tối đa chi phí để có lợi nhuận. Vì vậy, chất lượng đường được tốt lên”, ông Xuân nói.

Kể từ ngày được “cởi trói”, DN khoán chất lượng tới từng công nhân. Những việc lớn đã được cơ giới hóa bằng việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy quét, rửa đường, máy xúc, máy đào rãnh nên thay đổi rõ rệt về hiệu quả công việc. “Nhờ vậy, doanh thu đạt khoảng 60 tỷ đồng/năm, thu nhập của người lao động tăng lên 7 - 8 triệu đồng/tháng”, ông Xuân cho biết.

Là “lính mới” tham gia lĩnh vực bảo trì, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình Bắc Nam đã tạo cho mình bước đi vững chắc bằng việc đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại để bảo trì đường bộ.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc công ty cho hay, xác định chất lượng bảo trì đường bộ là ưu tiên hàng đầu, sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, công ty đã mua sắm trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu.

“Xe chuyên dụng hiện đại chưa từng có ở Việt Nam như xe kiểm tra cầu được đầu tư thay cho việc công nhân phải chui xuống gầm cầu kiểm tra. Chúng tôi cũng đầu tư máy móc theo công nghệ mới, nâng cao chất lượng sửa chữa, tiết kiệm được sức người, tăng thu nhập cho người lao động. Nhờ vậy, năm 2020, chúng tôi đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, doanh thu hàng năm tăng từ 10 - 20%, thu nhập đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Thắng cho biết.

Băn khoăn về thời gian gói thầu bảo dưỡng thường xuyên chỉ có 3 năm, ông Thắng cho rằng, vòng quay ngắn, ảnh hưởng đến suất đầu tư của DN, không có khấu hao nhiều để tái đầu tư. Việc nâng thời hạn gói thầu lên 5 năm DN mới có điều kiện tích tụ sản xuất, yên tâm đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị.

Nhà nước, doanh nghiệp bình đẳng

Đổi mới bảo trì giúp doanh nghiệp được tự quyết trong kinh doanh (Ảnh minh họa)

Đánh giá về sự chuyển đổi này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, từ năm 2013 trở về trước, các công ty QLĐB là đơn vị sự nghiệp thuộc các Khu QLĐB (nay là các Cục QLĐB) có quan hệ cấp trên, cấp dưới, vừa làm công tác quản lý Nhà nước kiêm nhà thầu bảo trì.

Lúc này, bảo trì đường bộ được thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch. Hình thức đặt hàng bên cạnh mặt tốt thì nó không tạo ra thị trường mở cho các DN ngoài tham gia, không khuyến khích DN nâng cao trình độ quản lý, đổi mới công nghệ, đầu tư vốn.

Để thay đổi thực trạng này, đầu năm 2013, đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ ra đời. Đề án tập trung đổi mới phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, lập kế hoạch bảo trì, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại. Sau khi thực hiện đề án này là chuyển sang đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ, chấm dứt thời kỳ đặt hàng duy tu bảo dưỡng quốc lộ. Đến nay, đã đấu thầu rộng rãi qua mạng đối với 100% các gói thầu bảo trì.

“Đề án làm đúng tinh thần là xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho DN đổi mới, nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, con người để nâng cao hiệu quả kinh doanh. DN cũng có cơ hội tái cơ cấu lại năng lực”, ông Điệp nói.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, thực hiện đề án, đã CPH toàn bộ các DN quản lý, bảo trì. Như vậy, dịch vụ công về bảo dưỡng duy tu đường bộ được tách bạch. Nhà nước trong vai người tổ chức đấu thầu rộng rãi còn DN trở thành nhà cung cấp dịch vụ.

Để thắng thầu, DN buộc phải có thiết bị, công nghệ bảo trì hiện đại để dự thầu, cạnh tranh với các DN khác. Sau CPH, mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và DN bảo trì được chuyển từ cấp trên, cấp dưới sang quan hệ đối tác bình đẳng. Việc thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ được thực hiện bằng hợp đồng đấu thầu. DN trúng thầu thực hiện, cơ quan quản lý đường bộ tổ chức giám sát, kiểm tra và nghiệm thu thanh toán theo kết quả thực hiện.

“Các DN bảo trì CPH, huy động nguồn lực xã hội trong bảo trì. Khắc phục tình trạng kinh doanh thiếu hiệu quả, thậm trí thua lỗ của nhiều DN Nhà nước về lĩnh vực quản lý, bảo trì đường bộ. Việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác bảo trì đường bộ, khắc phục được tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém do cơ chế giao khối lượng trước đây”, ông Điệp nói.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, CPH là giải pháp giúp các DN bảo trì thoát khỏi chiếc áo cơ chế bó buộc để tự quyết định trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng quyền tự chủ thực hiện các giải pháp thu hút vốn, nguồn lực chất lượng cao và đầu tư máy móc thiết bị. DN cũng được quyền tham gia đấu thầu bảo trì đường bộ ở mọi vùng, miền mà không bị vi phạm quy định như khi còn là DN Nhà nước.

Nói về hiệu quả của việc đổi mới công tác bảo trì, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, ngành đường bộ đã có sự thay đổi đáng kể. “DN bảo trì đã áp dụng mạnh khoa học - kỹ thuật, máy móc hiện đại hơn. Chất lượng mặt đường tốt lên, bảo đảm sạch đẹp, êm thuận cho người tham gia giao thông. Đường tốt thì vận tải sẽ nâng cao được năng suất phương tiện, chạy nhanh hơn, an toàn hơn”, ông Quyền nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật