Mùa dịch, chồng “tự cách ly”, thờ ơ chăn gối

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chồng em “tự cách ly” với vợ, nhất nhất giữ mình, thờ ơ chăn gối.
Mùa dịch, chồng “tự cách ly”, thờ ơ chăn gối
Ảnh minh họa

Chị Hạnh Dung kính mến,

Người ta nói giãn cách xã hội là cơ hội gắn kết tình thân, nhưng việc gắn kết này em e khó chị ạ. Từ ngày xã hội giãn cách, chồng em cũng… tự cách ly với em luôn. 

Nói vậy chắc bà con lại hốt hoảng vì tưởng ảnh có yếu tố dịch tễ, nhưng hoàn toàn không. Ảnh chỉ “tự cách ly” với vợ, nhất nhất giữ mình, thờ ơ chăn gối.

Tối, ảnh ăn uống nhấm nhẳng, chẳng nói chuyện mấy với vợ con. Ăn xong lại lăn ra sô-pha đọc báo. Em nghe nói đây là giai đoạn “gắn kết tình thân” nên cũng tâm huyết khơi chuyện, 22 giờ vẫn chăm chỉ bắt đầu từ những mối quan tâm nhỏ nhất, khơi gợi sự hào hứng của anh. Nhưng đáp lại là một câu nghi vấn, anh hỏi: “Chưa buồn ngủ à?”. 

Thế là hôm sau, giờ “tan ca” đọc báo của anh chuyển sang 23 giờ. Lúc này em đã kịp tham khảo chị em đồng cảnh ngộ, biết đàn ông ra khơi gặp sóng COVID-19 dễ bị căng thẳng, ham muốn cũng giảm. Thế nên em không còn nói những điều lặt vặt, em hỏi ngay vào tâm trạng, cảm xúc. Em hỏi: “Anh có tâm sự gì à?”. Anh chỉ nói gọn hơ trước khi trở mình, quay lưng vào mặt vợ: “Các chùm bệnh đang lây lan nhanh”. 

Lên mạng thấy những bài viết khoe cảnh sống chậm mùa dịch, gia đình đầm ấm, em càng tủi. Người ta đang sống chậm, đang gắn kết tình thân bằng cách nào vậy chị? Chị chỉ em với!

Thiên Thư (TP.HCM)

Thiên Thư mến,

Nếu chăn gối buồn bã, chồng “cosplay” thành bức tượng mà thư nhờ tư vấn vẫn hài hước thế này, thì nhà cửa của em sẽ sớm an vui thôi!

Giãn cách xã hội, gắn kết tình thân là có thật. Nhưng không thể nhảy vào giai đoạn “tự cách ly” của người khác để đòi “gắn kết tình thân”. Trải nghiệm của em đã chứng minh điều này, chỉ vì nỗ lực “gắn kết” với người chồng đang “tự cách ly”, em đã thành F1, rồi còn đang đà chuyển sang F0 với các triệu chứng: bực, ức, tủi…

Hạnh Dung xin tiếp tục dùng các “thuật ngữ” của em, và “bệnh dịch” ở đây được hiểu là bệnh buồn bã, lãnh đạm, thiếu gắn kết.

Căn bệnh này được sinh ra một cách tự nhiên khi dịch bệnh làm ngưng trệ nhiều công việc. Đàn ông dễ “nhiễm bệnh” hơn vì họ vốn được xã hội đặt để vào vai trò trụ cột kinh tế gia đình, lại không được thượng đế ưu ái cho khả năng cân bằng, chia sẻ cảm xúc tốt như phụ nữ. Khi công việc bị đình trệ vì COVID-19, họ sẽ bị hút vào… COVID -19, và việc đọc báo, theo sát diễn biến dịch bệnh có thể đang trở thành một phần/toàn bộ công việc của họ lúc này.

Quay lại với chuyện của em. Hẳn nhiên, giãn cách xã hội là cơ hội gắn kết gia đình. Nhưng nếu một thành viên “tự cách ly”, thì việc đầu tiên ta cần làm là… truy vết em ạ. 

Vậy, truy vết cái gì và như thế nào đây? Tất nhiên là truy vết nỗi lo âu, bằng cách xác định các “mốc dịch tễ”, rồi truy đến từng đối tượng tiếp xúc. Quá trình này có thể mô tả nôm na: “điều tra” hoặc lục lại trí nhớ xem chồng “tự cách ly” từ bao giờ, sau sự kiện cụ thể nào? Mức độ cách ly có thay đổi theo thời gian không, nếu có, thì từng cột mốc đó được đánh dấu bằng sự kiện gì?

Thông tin thu thập được từ việc truy vết này chỉ là dữ liệu ban đầu để em hiểu vấn đề của chồng. Hiểu rồi, thì bắt đầu tiếp cận nó bằng những giao tiếp thông thường, tại bàn ăn hay phòng sinh hoạt gia đình, chứ không đợi đến… đêm. Khi tiếp cận, hãy nói về thông tin mà anh ấy có thể quan tâm, chứ không cần phải “điểm huyệt” vào tâm tư tình cảm của anh ấy. Bắt chuyện như vậy dễ “làm bạn” với nhau hơn. Đến khi trở thành “bạn”, có thể nói cùng chủ đề rồi, em có thể dùng sự hài hước, lạc quan của mình để giúp chồng cân bằng.

Khi chồng thực sự “khỏe mạnh” trở lại, Hạnh Dung tin là em thừa sức “gắn kết tình thân”.

Chúc em luôn hạnh phúc, thăng hoa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật