Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ vì thiếu kiến thức, vô tình bỏ qua những dấu hiệu đột quỵ và tưởng rằng những phản ứng của c‌ơ th‌ể chỉ là cơn say nắng, cảm nắng bình thường nhiều người suýt phải trả giá bằng cả tính mạng.
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Các y, bác sĩ Khoa Thần kinh, bệnh viện Đa khoa Hợp Lực thăm khám và điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ não do nắng nóng.

Sát thủ ẩn mình

Những ngày cả nước nắng nóng như chảo lửa, bệnh viện Đa khoa Hợp Lực liên tiếp tiếp nhận những ca tai biến mạch máu não, phần lớn đều phát hiện muộn. Có lẽ chưa bao giờ căn bệnh đột quỵ lại khiến nhiều người lo sợ như thời gian gần đây. Chỉ cần gõ tìm kiếm trên google với từ khóa “đột quỵ”, hàng loạt thông tin cảnh báo và những ca bệnh điển hình xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về nó để tự bảo vệ chính mình và người thân.

Tại Khoa Thần kinh, bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, ông Tăng Văn Hiên, 51 tuổi, xã Hưng Lộc huyện Hậu Lộc khó nhọc chia sẻ về căn bệnh của mình. Ông là thợ xảm, công việc thường ngày là sửa chữa những con thuyền đi biển. Vì thế, ông thường xuyên phải lao động ngoài trời nắng. Cách ngày nhập viện 2 hôm, ông thấy đau đầu, chóng mặt, người uể oải, hơi tê nhẹ nửa người trái. Nghĩ bị say nắng thông thường, ông vẫn cố làm nốt việc mới về nhà nghỉ ngơi. Sau nửa ngày, tình trạng bệnh không đỡ, gia đình chở ông xuống gặp một bác sĩ tại địa phương. Ở đây, vị bác sĩ kết luận ông bị rối loạn tiền đình, kê thuốc rồi cho ông truyền nước. Trở về nhà, ông thấy giọng nói của mình không còn tròn vành rõ chữ, miệng bị méo nhẹ. Lúc này, ông vẫn nghĩ chắc do trúng gió nên tiếp tục đi vào giường nghỉ. Chỉ đến khi người nhà động viên đi khám, ông mới miễn cưỡng đến bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Và kết cục, ông đã vô tình bỏ qua khoảng “giờ vàng” để cứu não.

Bác sĩ CKI Trịnh Ngọc Thêm, Trưởng Khoa Thần kinh, bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, chia sẻ: “bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức tỉnh, hốt hoảng, lo lắng, nói ngọng, liệt 1/2 người trái. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não. bệnh nhân đến với chúng tôi muộn, sau khi bệnh khởi phát 2 ngày, bỏ qua “giờ vàng” trong điều trị đột quỵ. Vì thế, dù có thoát khỏi t‌ử von‌g cũng thường phải chịu các di chứng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều người mất khả năng lao động và cần có người chăm sóc thường xuyên...”.

Có 2 dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não. Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Một số trường hợp dấu hiệu đột quỵ không rõ ràng, mạnh mẽ nên nhiều người chỉ thấy chóng mặt, đau đầu, mệt lại nghĩ là bị say nắng, say gió, rối loạn tiền đình nên bỏ qua. Điều này gây nguy hiểm vì bệnh nhân đột quỵ không được cấp cứu khẩn cấp sẽ dẫn đến t‌ử von‌g hoặc để lại di chứng nặng nề. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ, khiến máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, hoặc não thất... Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào vị trí và diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu và oxy đầy đủ. Do đó, việc cấp cứu sớm tại cơ sở y tế có điều kiện tiếp nhận và điều trị đột quỵ trong “giờ vàng”, được tính từ lúc bệnh khởi phát đến 4, 5 giờ sau đó, có ý nghĩa rất quan trọng đối với bệnh nhân, giúp giảm tỷ lệ t‌ử von‌g và gia tăng cơ hội hồi phục. Càng cấp cứu chậm, tỷ lệ t‌ử von‌g và tàn tật càng cao.

Chúng ta có thể nhận biết đột quỵ nhanh bằng quy tắc FAST (nhanh chóng): Face (mặt): mặt bị lệch, méo miệng biểu hiện khi bệnh nhân cười, nhe răng. Arm (tay): tay chân yếu hoặc tê bì một bên khi yêu cầu bệnh nhân đưa tay, chân lên cao. Speech (nói): nói ngọng, nói lắp, không rõ chữ, không diễn đạt được. Time (thời gian): khi xuất hiện các triệu chứng trên, cần phải gọi cấp cứu và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa đột quỵ gần nhất. “Ngoài ra, một số bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn, co giật kèm các triệu chứng mất hoặc giảm trí nhớ đột ngột, kíc‌h thí‌ch giãy giụa, mê sảng, hôn mê... và có thể t‌ử von‌g nếu không được cấp cứu kịp thời” - bác sĩ Thêm nhấn mạnh.

Để người nhà bệnh nhân hiểu hơn về tầm quan trọng của “giờ vàng”, bác sĩ Thêm chỉ về phía bệnh nhân nam mặc áo ba lỗ vừa đi thể dục về, lưng ướt sũng mồ hôi, nói: “bệnh nhân này tên Lê Xuân Cương, 39 tuổi, ở Tĩnh Gia. Anh nhập viện ngày 19-5-2021, trong tình trạng hôn mê, thất ngôn, liệt 1/2 người phải. Thân nhân người bệnh cho biết, bệnh nhân đang ở nhà đột ngột xuất hiện nói ngọng, yếu 1/2 người phải. Vì có hiểu biết về căn bệnh đột quỵ nên ngay lập tức người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tại bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, nhận thấy bệnh nhân có các dấu hiệu điển hình của đột quỵ cấp, quy trình cấp cứu đột quỵ (Code Stroke) ngay lập tức được kích hoạt. bệnh nhân nhanh chóng được đưa đi thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, như: chụp CT scan sọ não không tiêm thuốc cản quang, xét nghiệm máu. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não. Sau khi thăm khám và có kết quả cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định và tiến hành dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bệnh nhân và theo dõi sát sao. Sau đó, người bệnh tiếp tục điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc mỡ máu nhóm statin, thuốc hạ huyết áp để dự phòng tái phát. bệnh nhân gần như đã hồi phục hoàn toàn, ít ngày nữa sẽ xuất viện”.

Phòng ngừa đột quỵ mọi lúc, mọi nơi

Theo lời bác sĩ Thêm, khi phát hiện người thân có triệu chứng đột quỵ não, cần lập tức gọi xe cứu thương 115 và thông báo về tình trạng của người bệnh. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân đến. Đặc biệt, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện, bởi trong quá trình di chuyển dễ dẫn đến bị ngã gây chấn thương. “Tế bào thần kinh sẽ bị chết dần sau khi khởi phát đột quỵ. Cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Vì thế bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt, tận dụng từng giây từng phút” - bác sĩ Thêm nhấn mạnh.

Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não và bảo vệ đường thở cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ. Đồng thời, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt về tiền sử bệnh tật, như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, ngừng thở khi ngủ..., các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, có dị ứng gì không, tình trạng sức khỏe, các triệu chứng, thời điểm xảy ra đột quỵ, thời điểm cuối cùng bệnh nhân còn bình thường... Những thông tin này rất hữu ích cho bác sĩ khi khai thác bệnh sử.

Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, kể cả thuốc, bởi bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt, nghẹn, sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi, suy hô hấp, trụy tim mạch... Chưa kể, đột quỵ do nhiều nguyên nhân, một số loại thuốc có thể dùng được trong trường hợp này nhưng không thể dùng được trong trường hợp khác, vì thế khi chưa xác định được nguyên nhân đột quỵ thì tuyệt đối không được uống thuốc.

Mặc dù nguy hiểm, nhưng đột quỵ não hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản, như: thay đổi lối sống bằng cách bỏ thu‌ốc l‌á, rượu bia, cà phê, tập thể dục mỗi ngày...; mang đủ mũ nón, trang bị bảo hộ lao động cần cho phòng tránh nắng nóng; uống đủ nước khi làm việc trong môi trường nắng nóng; bổ sung các loại nước uống vừa giải nhiệt vừa bù khoáng chất là nước trái cây, nước canh, nước rau, dung dịch oresol; dùng điều hòa nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27 độ C và chênh lệch trong và ngoài phòng tốt nhất không nên vượt quá 7 độ C.

Những người bệnh đang có các bệnh lý nền, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, xơ vữa mạch máu, mỡ máu cao... cần khám định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của các bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc vì việc không kiểm soát tốt các bệnh này sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác. Thường xuyên tầm soát nguy cơ đột quỵ, tầm soát xơ vữa động mạch là những cách giúp chủ động phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật