Bài 2 - Nước mắt nghề shipper

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù là công việc vất vả, “đội nắng, gánh mưa” trên những cung đường để mưu sinh, song những người làm nghề shipper luôn kỳ vọng có được thu nhập cao từ công việc ít áp lực, chủ động thời gian làm việc. Nhưng cũng ít ai biết rằng, đằng sau nó là những gian nan, cạnh tranh, lừa lọc và cả hiểm nguy.
Bài 2 - Nước mắt nghề shipper
dịch bệnh là nỗi lo lớn khi các shipper khi hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người lạ. Ảnh: KT

Bỏ nghề kế toán sang làm shipper tự do với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh Phạm Đình Duy (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) phải đánh đổi bằng những ngày dắt xe ra khỏi nhà khi vợ và hai con còn chưa dậy và trở về khi con đã ngủ say, chỉ còn người vợ trằn trọc lo lắng khi thấy chồng chưa về. Và những lần đi ship vào ban đêm là nguy cơ phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh, tai nạn và có thể gặp cướp.

Với thu nhập từ nghề giao hàng, vợ chồng anh Duy đã chuyển sang sinh sống ở một nhà trọ rộng rãi hơn trước. Song những trận cãi vã, xích mích xung quanh công việc của chồng cứ tăng dần. Chị Trương Thị Nhã, vợ của anh Phạm Đình Duy luôn thường trực nỗi bất an khi chồng mình làm một nghề tự do “đi sớm, về khuya” trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp: “Nhiều hôm anh ấy đi về muộn, điện thoại không liên lạc được là cả đêm ấy mình mất ngủ. Thu nhập từ nghề này có thể cao nhưng không ổn định, được ngày nào hay ngày đấy, lại khiến mình cảm thấy không an toàn và không yên tâm”.

Dưới cái nóng gần 40 độ tại Hà Nội, chiếc điện thoại của Nguyễn Mạnh Đạt - 20 tuổi  - không ngừng “nổ” những đơn hàng giao đồ ăn. Đưa tay vội lau những giọt mồ hôi, Đạt kể, thời buổi dịch dã như hiện nay ai cũng hạn chế ra đường nhưng với đặc thù của nghề shipper, mỗi ngày Đạt phải tiếp xúc với khoảng 40 người kể cả khách hàng và chủ cửa hàng kinh doanh. Dù đã chủ động các biện pháp phòng dịch, khẩu trang thay liên tục nhưng Đạt vẫn rất lo lắng trước rủi ro lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình giao hàng.

Nghề shipper có thể mang lại thu nhập đủ sống cho những lao động yêu thích công việc thoải mái về đầu óc, không đòi hỏi bằng cấp, nhưng rủi ro cũng tỷ lệ thuận. Thường gặp nhất vẫn là tình huống khách bom hàng. Lê Văn Minh - shipper giao đồ ăn ở Cầu Giấy, Hà Nội có lần nhận được yêu cầu ứng trước 500.000 đồng lấy đồ ăn cho khách. Lần đó, Minh đã phải vét sạch số tiền có trong túi để mua hàng, khách giục cháy máy. Oái ăm là, khi giao đến địa chỉ yêu cầu, người đặt hàng với bao hứa hẹn đã “biến mất”, tắt cả điện thoại. Vậy là Minh mất trắng tiền công một ngày đi làm.

Đằng sau tay lái của một shipper, phảng phất cả những lời nhiếc móc của khách khi giao hàng trễ giờ, đồ ăn nguội, hoặc giao hàng không đúng yêu cầu (mặc dù lỗi thuộc về phía người bán). Dẫu những lần giao hàng đi cùng với mỏi mệt, đắng chát, vẫn rất nhiều shipper cố gắng vượt qua và bám trụ với nghề. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất với bất cứ shipper nào, đó là gặp phải chủ hàng lừa đảo.

Từng bị lừa mất số tiền 2 triệu đồng do cả tin nên Nguyễn Văn Cường, ở Tây Mỗ, Hà Nội rất cẩn trọng trong quá trình giao hàng. Trong giới shipper, với những đơn hàng shop yêu cầu thu tiền của khách, các tài xế thường ứng trước tiền hàng để sau đó không mất công quay về shop trả tiền. lợi dụng kẽ hở này, nhiều kẻ mạo danh là shop bán hàng đưa cho tài xế món hàng không có giá trị, giao đến địa chỉ ảo rồi biến mất cùng với số tiền đã nhận. Anh Cường tâm sự, đa số shipper khi bị lừa thường chịu mất trắng số tiền đặt cọc vì không tìm ra bất cứ thông tin gì về người thuê giao hàng. Đối tượng lừa đảo dùng rất nhiều mánh khóe, chiêu trò. Những người mới đi ship cứ thấy tiền ship cao là nhận ứng cho người ta, nhưng lúc sau quay lại gọi điện là cả đầu nhận lẫn đầu gửi hàng thuê bao không liên lạc được.

Nghề giao hàng cũng đang đứng trước cuộc khủng hoảng thu nhập do số lượng đội ngũ shipper tăng chóng mặt, khiến thị trường dần bão hòa.  Ảnh: KT

dịch vụ giao hàng phát triển nhưng loại hình vận chuyển này đang bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng. Anh Trần Khắc Tiệp, nhân viên giao hàng khu vực Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, nhiều đơn hàng khách không ứng tiền nhưng bọc gói rất cẩn thận, không ai kiểm duyệt được đó là hàng gì. Nếu trong đó là hàng cấm, là m‌a tú‌y hay chất gây cháy nổ, shipper không kiểm tra sẽ vô tình tiếp tay cho tội phạm.

Cộng đồng mạng không ít lần dậy sóng về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra với những người giao hàng. Đầu năm 2019, một cô gái ở Điện Biên đi giao gà cho khách đã bị cưỡ‌ּng hiế‌ּp và sát hại gây chấn động dư luận, khiến cộng đồng những người giao hàng bất an. 1 shipper ở Hà Nội bị khách hàng dùng vợt tennis đánh gẫy mũi phải nhập viện. 1 shipper ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bị đâm thấu phổi khi có lời qua tiếng lại trong quá trình giao hàng. Cư dân mạng từng xôn xao với 1 clip quay cảnh shipper ở Hà Nội gục khóc bên xe máy vì bị lừa giao tai nghe giá 1,5 triệu đồng, mở hộp bên trong là mấy viên pin tiểu. Một nhân viên giao hàng ở Lạng Sơn bị hai đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 5 chiếc điện thoại trị giá 13 triệu đồng.

Không chỉ đối mặt với những rủi ro, lừa lọc, nghề giao hàng cũng đang đứng trước cuộc khủng hoảng thu nhập do số lượng đội ngũ shipper tăng chóng mặt, khiến thị trường dần bão hòa.

Dạo qua một vòng các hội nhóm trên mạng xã hội như “Ship tìm người, người tìm ship”, hay “Hội Shipper Hà Nội” chỉ cần một mẩu rao vặt xuất hiện với nội dung cần tìm nhân viên giao hàng là lập tức thu hút hàng chục người vào nhận việc, thậm còn “phá giá thị trường” với mức thù lao rất thấp.

Còn không ít tình huống bi hài, thậm chí cả những ấm ức, tủi hờn mà shipper nào cũng phải trải qua. Họ như những chú ong thợ cần mẫn vẫn mải miết hòa vào dòng người tấp nập với lỉnh kỉnh hàng hóa, để đổi lấy sự hài lòng của khách hàng, và cũng là để “tích tiểu thành đại” từ những đồng tiền công ít ỏi đằng sau những chuyện buồn vui sau tay lái

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật