Cú hích mới cho thuốc trị Covid-19

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ đang nghiên cứu một loại thuốc uống mà người dân có thể sử dụng ngay khi có triệu chứng Covid-19
Cú hích mới cho thuốc trị Covid-19
Ảnh chụp tại một cơ sở sản xuất thuốc Remdesivir ở TP Cairo - Ai Cập hồi đầu tháng này. Ảnh: REUTERS

Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) ngày 17-6 thông báo Chương trình Chống virus cho đại dịch (APP) trị giá 3,2 tỉ USD nhằm tăng tốc nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Mục tiêu của APP là sản xuất một loại thuốc uống mà người dân Mỹ có thể sử dụng ngay khi có triệu chứng Covid-19 để ngăn chặn những ca bệnh nặng và t‌ử von‌g, tương tự thuốc điều trị cúm, HIV và viêm gan C.

Trước mắt, APP sẽ đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm lâm sàng đối với những ứng viên tiềm năng và nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, một vài loại thuốc đầu tiên có thể sẵn sàng vào cuối năm nay. Không dừng lại ở đó, APP còn đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển những loại thuốc hoàn toàn mới, không chỉ để đối phó virus SARS-Cov-2 gây bệnh Covid-19 mà với những loại virus có thể gây ra đại dịch trong tương lai.

Không lâu sau khi dịch Covid-19 khởi phát, giới nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm các loại thuốc kháng virus sẵn có ở những ca bệnh phải nhập viện nhưng không gặt hái được nhiều thành công. Tính đến thời điểm hiện tại, theo báo The New York Times, chỉ một loại thuốc kháng virus cho thấy hiệu quả rõ ràng đối với những trường hợp này: Remdesivir - sản phẩm đầu tiên và duy nhất đến giờ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh nhân Covid-19. "Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng APP sẽ thành công như những chương trình mà chúng tôi đã triển khai với HIV và viêm gan C" - Giám đốc viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh.

Kể cả khi thuốc kháng virus thế hệ mới không xuất hiện trong vài năm, nhiều nhà khoa học khẳng định APP vẫn là một khoản đầu tư hữu ích. "Chương trình này có thể giúp đối phó Covid-19 và có khả năng tạo ra tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại đại dịch tiếp theo" - chuyên gia Mark Namchuk của Trường Y học Harvard (Mỹ) giải thích.

Vào đầu tuần này, cuộc đua bào chế thuốc đặc trị Covid-19 cũng đã nhận được tín hiệu tích cực khác, khi Công ty Celltrion (Hàn Quốc) công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối cùng) đối với Rekirona. Việc thử nghiệm được tiến hành kể từ tháng 1 với sự tham gia của 1.315 tình nguyện viên trên khắp 13 quốc gia - Celltrion cho biết đồng thời khẳng định kết quả nghiên cứu cho thấy Rekirona làm chậm các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng ở hơn 70% bệnh nhân, bao gồm nhóm rủi ro cao với bệnh nền. Cũng theo Celltrion, sản phẩm của họ còn giúp bệnh nhân Covid-19 phục hồi nhanh hơn trung bình 4,9 ngày.

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc ngày 18-6 tuyên bố sẽ dùng vắc-xin của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) để làm mũi tiêm thứ 2 dành cho khoảng 760.000 cư dân đã được tiêm vắc-xin của Công ty AstraZeneca (Anh) vì thiếu nguồn cung, tương tự các nước như Canada và Tây Ban Nha. Theo Reuters, kết quả sơ bộ của cuộc nghiên cứu "Combivacs" do viện Y tế Carlos III (Tây Ban Nha) tiến hành cho thấy việc tiêm Pfizer-BioNTech dành cho những người đã được tiêm AstraZeneca mũi đầu tiên là cực kỳ an toàn và hiệu quả. Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (CNACI) hôm 17-6 cũng khuyến nghị những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca mũi đầu tiên nên tiêm Pfizer-BioNTech hoặc Moderna mũi thứ hai. Dù vậy, tại một số quốc gia như Anh, giới chức vẫn khuyến khích người dân sử dụng một loại vắc-xin. Theo bà Kate O’Brien, Giám đốc đơn vị phụ trách tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới, giải pháp kết hợp vắc-xin nhiều khả năng an toàn và hiệu quả nhưng cần thêm dữ liệu để đánh giá. Chuyên gia Maureen Ferran của Học viện Công nghệ Rochester (Mỹ) khẳng định một trong những lợi ích rõ ràng nhất của hướng tiếp cận trên là hậu cần: Người dân có thể tiêm mọi vắc-xin sẵn có mà không phải lo lắng và chờ đợi, qua đó giúp đẩy nhanh tốc độ phủ sóng vắc-xin Covid-19. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật