“ Chinh phục ” bố chồng khó tính

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô dâu trẻ khi về nhà chồng thường lo lắng sẽ bị gia đình nhà chồng dòm ngó, soi mói và chê trách. Và các cô gái luôn chuẩn bị trước tâm lý để đối diện với mẹ chồng hay em chồng mà quên mất rằng bố chồng đôi khi cũng chính là những người đáng ngại.
“ Chinh phục ” bố chồng khó tính
Với nhiều trường hợp về làm dâu thì bố chồng mới là “đối thủ” đáng ngại (Ảnh minh họa).

Ngày về ra mắt gia đình người yêu, chị Nguyễn Thu Hiền (đường Lương Văn Nho, phường 9, TP. Vũng Tàu) rất vững tâm vì bố mẹ người yêu gần gũi, hiểu chuyện và cách sống khá hiện đại. Đặc biệt, bố người yêu tỏ ra rất tâm lý, vui tính, luôn hỏi han chị về công việc cũng như dặn dò chị phải giữ gìn sức khỏe khi thấy chị bận rộn. Cảm động nhất là có lần nghe kể chị hay bị mất ngủ, ông còn nhờ người ở quê gửi lá sen khô vào cho chị uống.

Thế nhưng, khi về làm dâu, chị Hiền không khỏi “sốc”. Những gì chị chứng kiến khi sống cùng nhà chồng vượt xa trí tưởng tượng của chị. Bố chồng luôn bật chế độ “soi” bằng kính lúp mỗi khi chị quét nhà, nhặt rau, xới cơm… Chị làm gì cũng bị săm soi, khó chịu, xét nét, phàn nàn. “Đã thế, tính ông còn rất gia trưởng nên không chỉ có việc ông khó ăn khó ở với con dâu mà ông còn quan niệm rằng “lấy chồng lo việc nhà chồng” nên mỗi khi tôi về thăm nhà mẹ đẻ, ông rất khó chịu. Vì vậy, sau một thời gian ở nhà chồng, cuộc sống vợ chồng tôi đã bắt đầu “cơm không lành canh không ngọt” vì chồng tôi yêu vợ nhưng cũng ngại bố nên luôn nằm trong thế khó xử”, chị Hiền ấm ức.

Vợ chồng chị Bùi Bích Hạnh (đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu) cũng đau đầu vì bố chồng. Chị Hạnh lấy chồng 3 năm mới sinh được cô con gái đầu lòng. Ngay khi biết tin chị Hạnh mang thai con gái, bố chồng chị đã tỏ ra không hài lòng. Ông luôn bóng gió rằng mong có đứa cháu trai để nối dõi. Khi mang thai bé thứ hai, chị Hạnh cảm thấp áp lực đè nặng bởi cũng là con gái. Vợ chồng chị và mẹ chồng đều quan điểm con nào cũng là con và yêu thương hết lòng. Khi biết chuyện, bố chồng chị thỉnh thoảng nói bâng quơ trách chị “không biết sinh con” rồi than “đến lúc chết cũng không có cháu trai bồng bế”. Chị Hạnh nghe thấy ấm ức trong lòng, việc sinh con trai hay con gái đâu phải do chị quyết định được.

Thực tế, trong cuộc sống có khá nhiều ông bố chồng khó tính như 2 trường hợp trên. Nếu như mẹ chồng thường xét nét con dâu những chuyện vụn vặt như: ăn uống, mặc, đi lại... thì bố chồng thường để ý những vấn đề bao quát hơn như cách sống của con dâu và họ sẽ phản ứng mạnh khi thấy con trai giúp vợ làm việc nhà.

Theo các chuyên gia tâm lý những trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa bố chồng và nàng dâu là khi những “bố già khó tính” cảm thấy địa vị của mình trong gia đình bị lung lay. Khi nói vợ, con không được thì quay ra chứng minh uy quyền với con dâu. Ngoài ra, sự bất đồng về văn hóa cũng khiến những ông bố có tính gia trưởng khó chấp nhận cách sống của con dâu nên sinh xét nét.

Trước tình trạng này, người con dâu phải có cách cư xử, tinh tế để có thể dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, nếu không sẽ làm cho mâu thuẫn ngày càng lớn hơn. Trường hợp chị Tạ Thanh Dung (đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) là một ví dụ. Theo chị Dung, bố chồng chị là người hay soi mói, bắt bẻ những việc của con dâu. Thời gian đầu chung sống, chị Dung đã nhiều lần ôm mặt khóc. Nhưng rồi, với suy nghĩ “thương chồng gánh vác giang sơn nhà chồng”, chị tự dặn mình phải học cách sống chung với bố chồng. Trước hết, chị học cách nhín nhường, không cãi lại. Chị thường nấu những món ăn mà bố chồng thích, mỗi khi làm việc gì dù lớn hay nhỏ chị đều hỏi ý kiến của ông. Khi nhận lương, chị hay mua tặng bố những món quà mà ông thích. “Mưa dầm thấm lâu”, chị Dung khiến bố chồng dần thay đổi thái độ và ngày càng quý chị hơn.

“Những ấm ức mà con dâu phải chịu với ông bố chồng khó tính thường căng thẳng hơn mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Hơn nữa, sự khác biệt về giới tính cũng khiến con dâu khó chia sẻ được với bố chồng. Chìa khóa để 2 người hiểu nhau hơn là mình phải chủ động, cởi bỏ cái tôi và đặt hòa khí gia đình lên trên hết, “lấy lòng” bố chồng bằng sự quan tâm, nhín nhường. Bởi tôi tin không có bố mẹ nào không muốn cuộc sống của con cháu mình luôn vui vẻ, hạnh phúc. Cái khó là mình phải biết “nút thắt” ở khúc nào để gỡ”, chị Dung chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật