Tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP hiệu quả

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai chương trình OCOP hiệu quả, từ đó phát huy thế mạnh vùng, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho nhân dân.
Tỉnh Quảng Ninh chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình OCOP hiệu quả
Ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020.

Chia sẻ về quá trình triển khai chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nêu bật những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Trong những năm qua, để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, bài bản, luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm là địa phương đi tiên phong thực hiện khuyến khích phát triển tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Sau gần 10 năm triển khai, đặc biệt là giai đoạn tăng tốc bứt phá 2018- 2020, bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đột phá và sát với thực tế, chương trình OCOP đã đạt được một số kết quả quan trọng như: Làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Xem Video: OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng

//

Cùng đó, chương trình OCOP đã phát huy tối đa sức sáng tạo của cộng đồng dân cư trong phát triển và hoàn thiện sản phẩm đặc sản địa phương. Tham gia chương trình, sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận tích cực, góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã phát triển 464 sản phẩm, trong đó, có 236 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt từ 3 sao đến 5 sao (gấp 2 lần so với năm 2017).

Song song với đó, tổ chức kinh tế phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Đến nay, đã có hơn 180 đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP (tăng 1,5 lần so với năm 2017); doanh số bán hàng năm 2020 đạt trên 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 270 tỷ đồng (tăng 2 lần so với năm 2017); chương trình OCOP đã đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho trên 4.500 người.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh được giới thiệu bên lề hội nghị tổng kết chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020.

Có thể khẳng định chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, là giải pháp cụ thể quan trọng phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Đồng thời phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của gần 10 năm triển khai thực hiện, đặc biệt là giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.Theo đó, để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, phải thống nhất quan điểm nhận thức chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, từ đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa và những giá trị kinh tế - xã hội của chương trình OCOP.

Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán; phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo OCOP các cấp phải xây dựng chương trình, quy chế làm việc, phân công và giao trách nhiệm rõ người, rõ việc cho các tập thể, cá nhân; thường xuyên kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện, đặc biệt phải phát huy được vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo.

Cần coi trọng công tác xây dựng bộ máy để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo OCOP các cấp, quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt các cấp, nhất là phát huy vai trò đội ngũ cán bộ cấp xã trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đăng ký ban đầu tham gia chu trình OCOP.

Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án, kế hoạch để kịp thời điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và có nhiều đóng góp cho chương trình OCOP...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật