Tổ quốc trong tim chính thức lên sóng (7h30, 11/4, VTV1)

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập đầu tiên của chương trình Tổ quốc trong tim sẽ chính thức lên sóng vào 7h30 ngày 11/4 trên kênh VTV1.
Tổ quốc trong tim chính thức lên sóng (7h30, 11/4, VTV1)
Ảnh minh họa

Là chương trình mới do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN thực hiện, Tổ quốc trong tim sẽ ghi lại buổi chào cờ ở những nơi địa đầu Tổ quốc, biên giới, hải đảo... trong những ngôi trường đặc biệt nhất. Đó là nơi thầy và trò cùng nhau hát vang bài Tiến quân ca dưới lá quốc kỳ thiêng liêng, nơi có những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những vị khách quen mà lạ; nơi những buổi chào cờ đón bình minh lên sẽ vô cùng đáng nhớ...

Ở số phát sóng đầu tiên này, khán giả truyền hình sẽ đến với điểm trường Khuổi Chặng, tại Yên Lỗ, xã miền núi nằm xa nhất của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đồng hành cùng Tổ quốc trong tim là Chảo Yến, cô gái Lào Cai dân tộc Dao Tuyển đã dành học bổng từ châu Âu. 

Theo chia sẻ của ê-kíp sản xuất, hành trình đến với địa điểm ghi hình được thực hiện vào cuối tháng 3 vừa qua. Những thành viên trong ê-kíp đã có kỷ niệm khó quên khi tìm tới điểm trường Khuổi Chặng.

Xem Video: Chương trình "Tổ quốc trong tim" - lan tỏa niềm tự hào về đất nước

//

Điểm trường Khuổi Chặng

"Sau những cuộc điện thoại dài từ Hà Nội với thầy giáo Lâm Văn Bài – Hiệu trưởng người dân tộc Nùng của trường tiểu học dân tộc bán trú Yên Lỗ, chúng tôi nắm được thông tin về ngôi trường này với cơ sở chính và các điểm trường xa rải rác trong núi. Khuổi Chặng là một trong điểm trường như vậy nhưng nằm xa nhất giữa những thôn bản đầy ắp gió núi và mây trời" - BTV Minh Hoa, Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN cho biết - "Cả ê-kíp quyết tâm đến Khuổi Chặng khi thầy hiệu trưởng còn khá dè dặt bảo - Đường không khó đi lắm, nhưng giờ đang mùa khô thì vẫn vào được. Thầy trò rất sẵn sàng đón đoàn làm truyền hình. Và chúng tôi lên đường với mong muốn ghi lại được những đường đi học trong mây và buổi chào cờ đầu tuần ở nơi địa đầu của tổ quốc".

BTV Minh Hoa (giữa) cùng các đồng nghiệp tác nghiệp ở điểm trường Khuổi Chặng

Quãng đường hơn 200km từ Hà Nội tới huyện Bình Gia. Ê-kíp sản xuất đã đi theo bản đồ điện tử nhưng tới trung tâm huyện thì hết chỉ dẫn. "Lúc này phải vừa điện thoại cho thày giáo vừa hỏi tiếp đường vào xã Yên Lỗ" - BTV Minh Hoa kể tiếp - "Điện thoại lúc có sóng, lúc không liên lạc được, vừa đi vừa hỏi tiếp, qua lần lượt các địa danh Pắc Khuông, Khuổi Lào quãng đường đèo đất khó đi dần, chúng tôi tới được UBND huyện Yên Lỗ vào buổi chiều muộn. Thầy giáo Lâm Văn Bài đã đợi chúng tôi ở đây để giúp ê-kíp thuê một chiếc xe tải để chở đoàn vào điểm trường Khuổi Chặng, chính là nơi mà thầy Bài đã có nhiều năm là thầy giáo cắm bản của nhiều thế hệ học trò. Đường từ huyện Bình Gia lên Yên Lỗ gần 50 km và gần một nửa vẫn là đường đất, nhiều khúc cua tay áo với những cây cầu tạm bằng tre bắc qua những khúc qua suối".

Điểm trường Khuổi Chặng nằm giữa màu xanh của rừng, sông và ruộng bậc thang. Con sông chảy quanh hai bản Khuổi Chặng, Khuổi Cọ, ôm lấy điểm trường nằm trên đồi cao. Trường bán trú Yên Lỗ có ba điểm trường gồm điểm chính, hai điểm lẻ Bản Mè và Khuổi Chặng. Điểm Khuổi Chặng ở cuối xã, có gần 50 học sinh trải đều 5 lớp tiểu học ở hai thôn Khuổi Chặng và Khuổi Cọ. 

Mùa nước cạn, học sinh qua sông bằng cây cầu ghép lại từ tre, ở giữa lót một ván gỗ rộng một gang tay cho xe đi qua không trật bánh. Mùa nước lên các em phải đi bằng bè mảng tới trường. Thâm niên nhất ở Khuổi Chặng là thầy giáo Hoàng Văn Kiếm, người có 30 năm gắn bó với điểm trường. Làm thầy trên núi, Khuổi Chặng dạy cho thầy Kiếm phải biết bơi, biết vượt lũ, chèo bè mảng. Mùa nước về, có khi thầy Kiếm phải dậy sớm ra đầu cầu đón học sinh khi nước lũ dâng. Thầy từng cõng học sinh qua sông, phụ huynh đứng ở bên bờ đón. 30 năm qua, thầy không nhớ cõng bao nhiêu chuyến, nhưng biết chỗ nào nước cao, chỗ nào nước xiết, dưới lòng sông nơi nào đá tảng có thể bám vào.

Học sinh của điểm lẻ Khuổi Chặng đều khó khăn và 100% là dân tộc Nùng. Dù đường đến trường có gian nan nhưng thày trò và phụ huynh ở Khuổi Chặng đều tất thẩy hết long vì việc học lấy cái chữ cho con em mình. Ở Khuổi Chặng, đưa con đi học là việc chỉ đàn ông làm bởi đường đi học nhiều bất trắc khó lường.

Đồng hành cùng Tổ quốc trong tim là Chảo Yến, cô gái Lào Cai dân tộc Dao Tuyển đã dành học bổng từ châu Âu.

Đầu năm 2021, điểm trường Khuổi Chặng đã có nước giếng khoan, dãy phòng học bằng ván lát cũ bên cạnh dãy phòng gạch kiên cố vẫn đón học sinh mỗi sáng. Bếp ăn bán trú cho học sinh hàng ngày có đầy đủ rau thịt và những thày giáo trẻ tiếp bước thầy Kiếm ở lại cùng Khuổi Chặng.

"3 ngày ở lại cùng điểm trường Khuổi Chặng, sinh hoạt cùng thầy trò tại trường, ê-kíp chương trình Tổ quốc trong tim đã hoàn thành phần tiền kỳ để trở về Hà Nội. Và hình ảnh nhớ mãi trong chúng tôi là những cánh tay vẫy của thầy và trò Khuổi Chặng.Tạm biệt Khuổi Chặng, tạm biệt những con đường đến trường qua đèo qua suối giữa núi rừng đẹp như tranh, chúng tôi mong nhưng mơ ước của thầy và trò sẽ vượt ra ngoài thôn bản tới những chân trời rộng mở khác", BTV Minh Hoa tâm sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật