Ba căn nhà ống được gộp thành một

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau cải tạo, ba căn nhà ống tối tăm trở thành một ngôi nhà lớn với sân vườn xanh mát và đầy ánh sáng.
Ba căn nhà ống được gộp thành một
Căn nhà trước và sau cải tạo.

Ba ngôi nhà nằm trên mảnh đất gần 235 m2, rộng lần lượt 91 m2, 96 m2 và 48 m2. Đây là nơi gia đình chủ nhà sinh sống từ nhiều thế hệ. Ngoài mục đích để ở, một phần diện tích để mở quán ăn lúc chiều tối.

Trước cải tạo, ba căn nhà có nhiều hạn chế như phòng ngủ nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, nóng bức, phòng tắm ẩm thấp và xuống cấp, không gian đi lại bị chia nhỏ, nhiều hành lang dài và tối, có đến hai cầu thang bộ dư thừa và chiếm diện tích sử dụng.

Đặc biệt, nhà không có sân vườn do lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè. Do sợ ngập lụt, nền công trình được nâng tới hơn 1,2 m so với mặt đường, gây mất cân đối với bối cảnh. Mặt tiền cũng không đồng nhất và không tạo được điểm nhấn về hình khối, màu sắc.

Để tạo nên nơi ở tốt hơn cho vợ chồng gia chủ cùng hai con trai, phần đất trước nhà được hạ độ cao nền và bỏ mái che cũ để trả lại không gian sân vườn. Không chỉ làm nên mảng xanh thư giãn, khu vườn rộng khoảng 50 m2 tạo khoảng lùi cho công trình, hạn chế ảnh hưởng của tiếng ồn và bụi bặm bên ngoài. Dù hy sinh một khoảng đất không nhỏ, gia chủ vẫn hài lòng vì nhờ sân vườn, các phòng ở thoáng đãng, sáng sủa hơn nhiều.

Việc hạ phần đất trước nhà không gây lo ngại về ngập lụt bởi sân vẫn cao hơn vỉa hè và phía sau nhà vẫn giữ cao độ cũ.

Phần sân vườn là một trong các điểm nhấn chính của ngôi nhà sau cải tạo.

Trong nhà, tường ngăn ba ngôi nhà cũ được phá bỏ, mang tới không gian rộng lớn và liên thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài của gia chủ. Toàn bộ cấu trúc chịu lực chính như móng, đà, cột được giữ lại để hạn chế ảnh hưởng đến ngôi nhà.

Một cầu thang bộ ít sử dụng ở giữa nhà được thay bằng giếng trời rộng để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp gia chủ gần như không sử dụng đèn vào ban ngày, cây xanh trong nhà cũng đủ điều kiện phát triển.

Muốn công trình mới lạ nhưng vẫn quen thuộc và hài hòa với bối cảnh xung quanh, nhóm thiết kế kết hợp mái ngói, vòm cửa cong, những ô cửa sổ lấy cảm hứng từ văn hóa Khmer và các món đồ nội thất cũ, chứa nhiều kỷ niệm với gia chủ như cặp lục bình, bộ bàn ăn dài bằng gỗ, bộ bàn trà tròn cạnh bếp, tủ chén bát dưới chân cầu thang.

Tầng trệt là không gian mở, ngăn chia ước lệ bằng quầy bar, kệ treo rượu, các vòm dựa trên hệ cột cũ để tạo nên sự thông thoáng và tăng cường sự kết nối của các thành viên trong gia đình.

Kiến trúc sư Trần Công Danh, chủ trì thiết kế, cho biết công trình là một ví dụ về kiến trúc cải tạo ở Việt Nam hiện nay, nơi có vô số nhà ống với thiết kế không đồng nhất, kém hấp dẫn.

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu cải tạo (mở rộng không gian, tăng tiện nghi), nếu gia chủ và kiến trúc sư thống nhất được thiết kế hợp lý, có nghiên cứu và ứng dụng về kiến trúc bền vững thì sẽ tạo nên các công trình thẩm mỹ, hài hòa, gia tăng mảng xanh và góp phần cải tạo bộ mặt của không gian đô thị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật