Trực thăng 85 triệu đô của Mỹ “sống sót” qua đêm đầu tiên trên sao Hỏa: -90 độ C cũng “không giết” được Ingenuity

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúc mừng NASA, nước Mỹ và loài người!
Trực thăng 85 triệu đô của Mỹ “sống sót” qua đêm đầu tiên trên sao Hỏa: -90 độ C cũng “không giết” được Ingenuity
Ảnh minh họa

Cách đây ít giờ đồng hồ, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo: Trực thăng sao Hỏa Ingenuity của NASA đã sống sót qua đêm đầu tiên trên sao Hỏa, sau khi tách ra từ bụng của tàu thám hiểm Perseverance Rover hôm thứ Bảy, ngày 3/4 (giờ Mỹ).

Các quan chức NASA rất phấn khích sau thành công bước đầu của trực thăng Ingenuity khi nó vẫn hoạt động sau khi chịu đựng mức nhiệt lạnh khắc nghiệt trong đêm -90 độ C trên bề mặt sao Hỏa. Chiếc máy bay trực thăng có giá 85 triệu USD đã hoàn thành cuộc thử nghiệm lớn đầu tiên trong sứ mệnh của mình.

Máy bay trực thăng Ingenuity đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của nó. Ảnh: NASA

MiMi Aung, Giám đốc dự án Ingenuity tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA ở Nam California, cho biết: "Đây là lần đầu tiên Ingenuity xuất hiện độc lập trên bề mặt sao Hỏa. Trước đó, trực thăng Ingenuity được gắn trong phần bụng của Perseverance Rover".

NASA cho biết, việc trực thăng Ingenuity sống sót qua đêm đầu tiên trên sao Hỏa là điều kiện tiên quyết để máy bay trực thăng này thực hiện sứ mệnh tiếp theo vào ngày 11/4: Chuyến bay đầu tiên trong lịch sử của loài người, chạy bằng năng lượng trên một hành tinh khác.

Theo kế hoạch, Ingenuity sẽ bay cao 2,7 mét lên không trung, lơ lửng tại chỗ trong 30 giây và sau đó hạ cánh trở lại trên bề mặt sao Hỏa.

SỨ MỆNH ANH EM NHÀ WRIGHT THỜI HIỆN ĐẠI

Trong một tuyên bố vào tháng trước, NASA đã so sánh thành công dự kiến của chuyến bay Ingenuity với sự kiện của anh em nhà Wright - những người đầu tiên thử nghiệm thành công cho máy bay bay được trên Trái Đất - năm 1903 tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina, Mỹ (bay cao 36 mét trong 12 giây).

Nếu như cách đây 118 năm, con người đã bất chấp trọng lực để tạo ra chiếc máy bay có thể cất cánh trên bầu trời, thì nay, con người lại tiếp tục sáng tạo ra chiếc máy bay có thể sải cánh tại một thế giới khác, một hành tinh khác bất chấp nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm đóng băng động cơ. Dù là trọng lực hay -90 độ, không gì có thể phá hủy ý chí của con người.

Không giống như người bạn đồng hành của nó là Perseverance Rover, trực thăng Ingenuity không có nhiệm vụ tìm kiếm sự sống cổ xưa mà sẽ thể hiện khả năng bay thẳng qua bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa.

Ingenuity được gắn các cánh quạt dài 1,2 mét, quay 40 vòng một giây; các tấm pin Mặt trời có khả năng cung cấp năng lượng cho nó và các công nghệ khác được điều chỉnh từ xa.

Ingenuity được gắn các cánh quạt có đường kính 1,2 mét, quay 40 lần một giây. Ảnh: NASA

Teddy Tzanetos, phó chỉ huy hoạt động của Trực thăng Sao Hỏa Ingenuity tại JPL, cho biết nếu thành công, ’nó sẽ mở ra cánh cửa cho việc khám phá sao Hỏa trong tương lai. Nhiệm vụ của Ingenuity sẽ kéo dài 30 sols, tức là 24,6 giờ theo giờ Trái Đất, với mỗi chuyến bay kéo dài 90 giây".

Trước đó, vào ngày 18/2/2021, sau khi "vượt cạn" qua 7 phút kinh hoàng (từ quá trình thâm nhập bầu khí quyển - hạ cánh và chạm đất), Perseverance Rover - Tàu tự hành lớn nhất, tiên tiến nhất, trang bị công nghệ đột phá nhất của NASA - đổ bộ Hành tinh Đỏ thành công ngoài sức tưởng tượng.

Perseverance nặng 1,026 kg sẽ bắt đầu cuộc điều tra khoa học kéo dài 2 năm sao Hỏa tại khu vực hố va chạm Jezero. "Nhà thám hiểm" này sẽ điều tra đá và trầm tích của đồng bằng sông và lòng hồ cổ đại của Jezero để mô tả đặc điểm địa chất và khí hậu trong quá khứ của khu vực, một phần cơ bản trong nhiệm vụ của nó là sinh học thiên văn, bao gồm việc tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật